Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh "văn hóa vỉa hè": Những giải pháp quyết liệt, căn cơ

Hoàng Lan| 26/05/2023 06:34

(HNMCT) - Tại Hà Nội, các hoạt động sinh hoạt, buôn bán trên vỉa hè từ lâu đã tạo thành nét văn hóa bình dân của đất Kinh kỳ. Tuy nhiên, do thiếu các biện pháp quản lý chặt chẽ và do nhận thức hạn chế của nhiều người, các hoạt động này đang kéo theo một loạt hệ lụy như cản trở giao thông, làm diện mạo đô thị trở nên nhếch nhác... Vì vậy, rất cần có những giải pháp quyết liệt, căn cơ để vỉa hè không chỉ là "vùng đệm" giữa công trình kiến trúc và đường phố mà còn góp phần tạo lập bản sắc văn hóa, văn minh của một đô thị hiện đại.

“Văn hóa vỉa hè” góp phần tạo lập bản sắc, văn minh của một đô thị hiện đại. Ảnh: Vũ Minh

Có hay không “văn hóa vỉa hè”?

 “Văn hóa vỉa hè” là tập hợp tất cả những nết ăn, nết mặc, cách nghĩ, thói quen trong ứng xử, sinh hoạt đang từng ngày diễn ra trên vỉa hè Hà Nội. Theo cách hiểu đó, có thể khẳng định Hà Nội có “văn hóa vỉa hè”. Nét văn hóa đó được bắt đầu ngay từ thời Pháp thuộc, khi vỉa hè đầu tiên xuất hiện, Hà Nội đã có quy tắc ứng xử với các hoạt động diễn ra trên vỉa hè. Theo nghiên cứu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, ngày đó, tất cả chủ nhà mặt phố, người thuê phải có trách nhiệm dọn vệ sinh hè phố trước cửa nhà, khơi thông rãnh thoát nước. Cánh cửa ra vào nhà mặt tiền phải mở vào trong, không được mở ra ngoài để tránh gây thương tích cho người đi lại. Vỉa hè phải được lát bằng đá hình vuông khổ 30 x 30cm, dày 3cm, trên mặt khía chéo để tránh trơn trượt cho người đi đường. Mép hè là đá xanh chôn sâu xuống mặt đường, vừa làm bờ rãnh thoát nước vừa làm vật chắn để đề phòng xe ngựa lao lên hè gây thương tích cho người đi bộ... Hằng ngày, cảnh sát đi tuần, họ đạp xe quanh các phố, nếu phát hiện vi phạm thì xử phạt, nếu không có tiền sẽ đưa về bót.

Trong tác phẩm "Ngồi lê Hà Nội", nhà văn Đỗ Phấn cũng đã có ghi nhận về vẻ bình yên, nét văn hóa nơi vỉa hè Hà Nội: “Những năm mới hòa bình, hàng rong có được nới lỏng hơn chút ít so với thời thuộc Pháp. Những hàng rong như cà phê, phở xe đẩy, tẩm quất đêm, quà cáp bánh trái ban ngày vẫn theo nếp cũ chỉ dừng lại trước cửa nhà ai đó khi có người gọi. Không có chuyện ngả bàn ghế đồ lề ra phố xì xụp lôi thôi. Hàng rong mới cũng trông vào đấy mà cư xử cho phải phép”...

Chúng ta, những thế hệ sau này cũng có thể thấy sự quy củ, nền nếp, trật tự tại vỉa hè trong các bức ảnh chụp ở thời kỳ này. Không có sự lấn chiếm vỉa hè. Nhà hàng, cửa hiệu chỉn chu, vỉa hè phong quang sạch sẽ. Đặc biệt, trong ký ức của người dân Hà Nội, hình ảnh về những vỉa hè rộng thênh thang, thong dong nằm đấy đợi những chiếc lá vàng rụng xuống lúc sang mùa... luôn là một kỷ niệm yên bình về một Hà Nội cổ xưa mà thanh lịch.

Có một "văn hóa vỉa hè" của người Hà Nội. Ảnh: Hương Giang

Biến đổi theo thời cuộc

Không chỉ mang chức năng là “vùng đệm”, vỉa hè còn là nơi phô bày cuộc sống của người dân Hà Nội một cách chân thực. Những năm hòa bình lập lại, dễ dàng bắt gặp hình ảnh thể hiện vẻ nhộn nhịp trong "đời sống vỉa hè" của người Hà Nội. Họ bơm nước, thậm chí giặt giũ trên vỉa hè, nấu ăn trên vỉa hè, cho con bú, đọc sách, đánh cờ, tập thể dục trên vỉa hè. Vỉa hè còn là sân chơi cho lũ trẻ thành phố vốn không có nhiều không gian trong ngôi nhà của mình. Những ngày lễ tết, nhất là dịp Trung thu, vỉa hè trở thành một sân chơi được ưa thích của trẻ con. Cũng tại không gian vỉa hè này, từ văn hóa ẩm thực nức tiếng Hà thành cho tới các dịch vụ bình dân như cắt tóc, bơm vá xe đều xuất hiện. Đặc biệt, khi sống ở Hà Nội đủ lâu, bạn sẽ nhận ra một điều, đó là các quán ăn ngon đa phần có mặt tại vỉa hè và việc lê la vỉa hè, thưởng thức ẩm thực đường phố từ lâu đã trở thành một cái thú của người Hà Nội.

Thời gian sau này, khi mật độ dân số đông hơn cùng luồng di cư từ các tỉnh đổ về Hà Nội ngày một nhiều, Hà Nội dần trở nên đông đúc khiến các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ... nghĩ cách sử dụng vỉa hè để phục vụ nhu cầu đa dạng của “thượng đế”. Hàng quán nào cũng đua nhau “chìa” ra ngoài, gây nên sự bất hợp lý, lộn xộn, mất mỹ quan. Đặc biệt, việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để làm quán ăn uống đã gây cản trở giao thông, chiếm không gian của người đi bộ...

Thay vì hình ảnh yên bình trước kia, vỉa hè trở nên lộn xộn và mất kiểm soát. Khó có đô thị nào mà ở đó tồn tại những thuật ngữ “phở chạy, bún bưng, cà phê đuổi” - một thực tế đáng buồn. Cũng khó có đô thị nào mà cả thực khách lẫn người bán hàng hễ thấy bóng dáng công an, dân phòng... là bưng bát chạy, khi xe của lực lượng chức năng đi khuất lại bưng bát quay lại và tiếp tục xì xụp. Những hình ảnh ấy hoàn toàn không thể đại diện cho văn hóa của Thủ đô, ít nhiều làm giảm đi nét đẹp thanh lịch, yên bình, gây cảm giác về một đô thị nhếch nhác với những công dân kém văn minh...

Vỉa hè dần trở nên lộn xộn và mất kiểm soát. Ảnh: Quý Đức

Điều chỉnh phù hợp

Nguyên nhân đầu tiên khiến cho văn hóa vỉa hè xuống cấp chính là tâm lý coi "vỉa hè là của mình" của một bộ phận người dân hằng ngày phải mưu sinh nơi hè phố. Với những người dân có thu nhập thấp, hàng quán vỉa hè không chỉ thuận tiện mà quan trọng hơn là không mất hoặc mất rất ít phí thuê mặt bằng. Có lợi ích thì có mâu thuẫn, vỉa hè bị "giằng co” giữa các bên liên quan và cũng vì thế mà cơ quan chức năng đã phải tổ chức biết bao nhiêu cuộc "ra quân" nhằm lập lại trật tự vỉa hè, nhưng hiệu quả rất hạn chế.

Cho đến tận bây giờ, tuy đã có nhiều quy định về việc quản lý, sử dụng vỉa hè nhưng chúng ta chưa phân định thật rõ ràng quyền và trách nhiệm của các bên liên quan. Vỉa hè là do Nhà nước quản lý, nhưng khi Nhà nước cấp cho các chủ nhà mặt phố giấy phép xây dựng, họ hiểu là họ có quyền có lối ra vào - không gì khác ngoài vỉa hè trước nhà. Cũng từ đây, do ngộ nhận, nhiều chủ nhà mặt phố trở thành "người quản lý vỉa hè", tự đứng ra kinh doanh hoặc thu tiền cho thuê vỉa hè trước nhà mình. Chưa kể, ngoài chủ nhà, vỉa hè còn bị “chia sẻ” bởi nhiều bên liên quan khác, để rồi vỉa hè không còn thực hiện được chức năng chủ yếu của nó là dành cho người đi bộ nữa.

Từ thực tiễn ấy, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" do Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 21-3-2023, KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã chỉ ra rằng, để chấm dứt tình trạng lộn xộn, nhếch nhác nơi vỉa hè, Hà Nội cần có những chính sách quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là “đòi lại vỉa hè Hà Nội không chỉ để trả lại không gian an toàn, sạch sẽ cho người đi bộ mà vỉa hè Hà Nội phải là vỉa hè văn minh, văn hóa”.

Với vị thế là Thủ đô của cả nước, là một thành phố đang trên đà hội nhập và phát triển, việc để diễn ra cảnh xô bồ, nhốn nháo trên vỉa hè là điều vô cùng đáng tiếc. Văn hóa vỉa hè cần được nhìn nhận lại và thay đổi cho phù hợp. Để làm được điều đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong nhiều năm qua, Thành phố đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những vấn đề liên quan; Luật Thủ đô có quy định nghiêm cấm lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, lòng đường trái quy định. Điều 4 trong Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng quy định 3 điều nên làm và 4 điều không nên làm để giữ gìn không gian vỉa hè nơi đô thị. Trong Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” của Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh tới yêu cầu bồi đắp tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội...

Đi cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cần xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe để hành vi chiếm dụng vỉa hè trái phép không thể tái diễn.

Cuối cùng, quan trọng hơn cả là người dân, đặc biệt là những người đang trực tiếp quản lý, sử dụng vỉa hè cũng cần học cách để trở thành những công dân đô thị hiện đại, tuân thủ mọi quy tắc, quy định của pháp luật để không chỉ “trả lại vỉa hè cho người đi bộ” mà còn trả lại một nét đẹp sinh hoạt thị dân Hà Nội một thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh "văn hóa vỉa hè": Những giải pháp quyết liệt, căn cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.