(HNMO) – Ngày 6/2, cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa chính phủ Pakistan và một nhóm đại diện cho Taliban đã được tổ chức tại Islamabad.
Hãng tin BBC dẫn lời các quan chức Pakistan cho biết, cuộc gặp nhằm mục đích vạch ra một "lộ trình" cho các cuộc đàm phán nhằm cố gắng chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài một thập kỷ.
Các cuộc đàm phán ban đầu được Thủ tướng Nawaz Sharif công bố trong tuần trước, sau một loạt các cuộc tấn công.
Cuộc gặp đầu tiên đã kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ ở tòa nhà Khyber Pakhtunkhwa tại Islamabad.
Người đứng đầu nhóm Taliban, Maulana Sami ul- Haq, sau đó đã đọc một tuyên bố chung. Tuyên bố liệt kê 5 điều kiện cơ bản được chính phủ đặt ra: Tất cả các cuộc đàm phán được tổ chức trong khuôn khổ của hiến pháp; Phạm vi của các cuộc đàm phán chỉ nên giới hạn ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi bạo lực, không phải toàn bộ đất nước; Tất cả các hành động thù địch nên ngừng trong khi đàm phán; Taliban nên làm rõ vai trò của một ủy ban gồm 9 thành viên mà họ đã thiết lập; Các cuộc đàm phán không nên kéo dài.
Nhóm Taliban đã đồng ý tới Miranshah ở phía tây bắc để có điều kiện thảo luận với nhà lãnh đạo của họ và cam kết sẽ báo cáo lại cho ủy ban chính phủ càng sớm càng tốt.
Cả hai bên cũng nhất trí, không bên nào có hành động có thể làm hỏng quá trình đàm phán.
Các chiến binh từ nhóm Tehreek-e-Taliban của Pakistan (TTP) đã tiến hành cuộc nổi dậy ở Pakistan từ năm 2007. Chỉ riêng trong tháng 1/2014, hơn 100 người, trong đó có cả binh sĩ, đã chết trong các cuộc tấn công của Taliban trên toàn quốc. Hàng nghìn người đã bị giết kể từ khi TTP nổi lên vào năm 2007.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.