Tuy chưa bùng phát dữ dội nhưng mối lo ngại suốt tuần qua về một cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng tại Pakistan đã lan như một cơn sóng ngầm trong dư luận ở quốc gia Nam Á này.
Mặc dù ngày 8-12, Người phát ngôn của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari bác bỏ tin đồn rằng, nhà lãnh đạo 56 tuổi có thể từ chức vì lý do sức khỏe; đồng thời cho biết ông A. Zardari sẽ trở về Islamabad trong tuần này. Nhưng, sự khẳng định này lại khiến mối hoài nghi tăng cao. Bởi trước đó, tin đồn về một cuộc đảo chính và khả năng Tổng thống A. Zardari từ chức đã rộ lên sau khi có tin ông đã lặng lẽ rời Pakistan tới Dubai (29-11) để điều trị bệnh tim. Thông tin đăng trên tạp chí "Chính sách đối ngoại" của Mỹ, số ra mới đây cho biết, vị Tổng thống này có thể từ chức trước sức ép của giới tướng lĩnh đầy quyền lực sau vụ bê bối "Memogate"; trong đó ông A. Zardari được cho là đã yêu cầu Mỹ giúp ngăn chặn một cuộc đảo chính của quân đội. Tạp chí còn dẫn lời một cựu quan chức Mỹ giấu tên nói rằng, trong cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Barack Obama, giọng nói của ông A.Zardari tỏ ra "lúng túng, không mạch lạc" và Washington đã được thông báo về "cơn đau tim" của ông A. Zardari cũng như khả năng ông này có thể từ chức vì lý do sức khỏe.
30 xe chở dầu và xe container của NATO bị đốt cháy trong vụ tấn công bằng rocket ở gần thành phố Quettar, Tây Nam Pakistan (tối 8-12) đã gây lo lắng cho giới chức Mỹ. |
Cơn sóng ngầm tại Pakistan hình thành trong bối cảnh quan hệ đồng minh Washington - Islamabad lâm vào sóng gió, nhất là sau vụ đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi đầu tháng 5-2011, tại thị trấn Abbottabad nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan. Và mới đây, ngày 26-11, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) cũng đã không kích "nhầm" tại khu vực biên giới với Afghanistan làm 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng. Trong một diễn biến mới, ngày 9-12, Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani cảnh báo Mỹ và các đồng minh NATO rằng, bất cứ cuộc tấn công qua biên giới nào trong tương lai cũng sẽ gặp phải sự "đáp trả gây thiệt hại". Trước đó, Pakistan cho biết đã nâng cấp hệ thống phòng không tại khu vực giáp giới với Afghanistan nhằm tăng cường khả năng bắn hạ máy bay. Islamabad cũng đã đóng cửa biên giới với tất cả các tuyến tiếp vận hậu cần của NATO tới Afghanistan đi qua lãnh thổ Pakistan; đồng thời yêu cầu Mỹ rút khỏi căn cứ không quân Shamsi ở Tây Nam Pakistan, nơi thường được dùng làm điểm xuất phát các chiến dịch tấn công lực lượng Taliban và Al Qaeda...
Quan hệ đồng minh bị "sứt mẻ" đã không tạo tiền đề tốt cho tham vọng của Washington trong khu vực. Hội nghị về Afghanistan ở Bonn, Đức (5-12), đã không thành công trọn vẹn do Islamabad, quốc gia láng giềng với Afghanistan tẩy chay. Điều này đã làm giới chức Lầu Năm Góc phải điều chỉnh chiến lược tại một địa bàn trọng điểm. Hồi đầu tháng 12 này, nhiều thượng nghị sỹ Mỹ đã hối thúc chính quyền của Tổng thống B.Obama xem xét lại toàn bộ quan hệ chiến lược với Pakistan cũng như cân nhắc khả năng cắt giảm các khoản viện trợ kinh tế và quân sự cho quốc gia Nam Á này. Bruce Riedel, một nhân vật cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ), cho rằng Washington phải thay đổi chiến lược can dự vào Pakistan. Ứng cử viên sáng giá của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, ông Newt Gingrich cũng đưa ra cảnh báo, kho vũ khí hạt nhân của Pakistan có nguy cơ cao rơi vào tay "các phần tử cực đoan" nhiều khả năng đã thâm nhập sâu vào hàng ngũ quân đội Pakistan... Trong khi đó, cựu quan chức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông B. Riedel, người được Tổng thống B.Obama chỉ định đứng đầu nhóm chuyên gia nghiên cứu các chính sách của Nhà Trắng về Pakistan và Afghanistan cho rằng, Washington cần điều chỉnh chiến lược với Islamabad; đồng thời ngăn chặn tham vọng tiếm quyền của giới quân sự chóp bu nước này.
Cơn sóng ngầm hiện nay tại quốc gia Nam Á bắt nguồn từ quan hệ đồng minh chiến lược chống khủng bố Mỹ - Pakistan rơi vào căng thẳng. Tuy cả Washington và Islamabad đều bày tỏ mong muốn củng cố quan hệ, gạt bỏ bất đồng, nhưng đằng sau đó là những khoảng trống khó khỏa lấp. Nếu khoảng trống ấy loang rộng sẽ là một nguy cơ đẩy Pakistan vào biến động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.