Điểm đến

Orenburg - cửa ngõ hai châu lục

Thái Thịnh 03/07/2023 - 06:27

Chắc hẳn nhiều người Việt yêu thơ Nga đã từng nghe đến cái tên Orenburg. Thành phố nằm bên bờ sông Ural này là nơi đại thi hào Pushkin từng viếng thăm để rồi viết nên “Lịch sử cuộc bạo loạn Pugachyov” và “Người con gái viên đại úy”.

orenburg-1.jpg
Cây cầu nối liền châu Á với châu Âu ở Orenburg.

“Thủ đô” vùng thảo nguyên

Sân bay Yuri Gagarin tại Orenburg có đường bay thẳng đến gần như tất cả các đô thị lớn của Nga, nhưng đa số du khách lại không lựa chọn máy bay để đến Orenburg. Nhà ga Orenburg là một điểm quan trọng trên tuyến đường ray Trans-Aral nối Siberia với Trung Á từ thời Liên Xô. Ngoài ý nghĩa lịch sử, khung cảnh hai bên đường ray chạy từ Moscow đến Orenburg cũng vô cùng hấp dẫn. Từng thung lũng, dòng sông kẹp giữa những ngọn núi của dãy Ural hùng vĩ tạo nên cảnh tượng khiến người ngắm cảnh phải nhớ mãi.

Orenburg không phải là một đô thị lớn. Con phố chính của Orenburg dài chưa đến 2km và cũng không quá ấn tượng. Vậy nhưng, sự vắng vẻ lại là điểm hấp dẫn đối với những du khách đã chán ngán sự xô bồ, chen chúc tại những thành phố lớn.

Nhiều hoạt động ngoài trời ở Orenburg diễn ra tại quảng trường trung tâm. Trong những năm đầu của ngành Hàng không Nga, phi công thử nghiệm Valery Pavlovich Chkalov đã có công lớn trong việc hoàn thiện các kỹ thuật bay và những mẫu máy bay Tupolev. Orenburg từng mang tên Chkalov từ năm 1938 đến 1957. Tuy Orenburg đã lấy lại tên cũ nhưng tượng đài Chkalov vẫn đứng sừng sững ở trung tâm thành phố.

Nhắc đến các bảo tàng tại Orenburg thì không thể bỏ qua Bảo tàng Nghệ thuật. Nơi đây lưu giữ không ít tác phẩm của những nghệ sĩ người Nga và dân du mục vùng Ural. Bảo tàng còn trưng bày hoạt cảnh căn phòng làm việc mà ở đó đại thi hào Pushkin sáng tác “Lịch sử cuộc bạo loạn Pugachyov” và “Người con gái viên đại úy”, cùng với ấn bản bằng nhiều thứ tiếng của hai tác phẩm, trong đó có cả bản dịch tiếng Việt.

Viện bảo tàng thứ hai mà du khách nên ghé thăm được đặt tại căn hộ cũ của nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin. Thời trẻ, Yuri Gagarin theo học tại trường dạy phi công không quân Nga đặt ở Orenburg. Vợ ông, bà Valentina Goryacheva, cũng sinh ra tại Orenburg. Hai ông bà và các con từng dành nhiều năm sinh sống ở Orenburg, và cảnh sống của họ vẫn còn được lưu giữ trọn vẹn tại Bảo tàng Yuri Gagarin.

Orenburg nổi tiếng một phần nhờ cây cầu đi bộ nối liền hai lục địa Á - Âu. Cây cầu dây văng bắc qua dòng sông Ural được xây từ thời Liên Xô đã trải qua nhiều lần tu sửa. Cây cầu trắng đặt bên đài quan sát cũng màu trắng, tạo nên cảm giác thanh thoát, mát mẻ. Ở đầu phía châu Âu của cầu là một công viên nhỏ có chỗ chơi cho trẻ em. Còn ở đầu cầu trên đất châu Á là Bảo tàng lịch sử thành phố. Trong bảo tàng có “nhà ga” tàu cáp treo dành cho những du khách muốn ngắm nhìn Orenburg từ trên cao.

Du khách tới Orenburg thường mua vài chiếc khăn choàng làm quà. Khăn choàng Orenburg nổi tiếng từ thời Sa hoàng nhờ chất lượng vải và sự tinh xảo trong từng đường kim. Người Nga tin rằng, cô dâu nào đeo chiếc khăn choàng Orenburg trong đám cưới sẽ hạnh phúc suốt đời.

Món quà lưu niệm thứ hai nổi tiếng ở Orenburg là bia và kvass (một loại thức uống lên men làm từ lúa mạch đen hoặc bánh mỳ lúa mạch đen) mang thương hiệu Gofman. Hai thứ đồ uống được làm hoàn toàn từ những nguyên liệu địa phương, đặc biệt nhất là thứ nước từ tuyết tan trên núi Ural. Các vị khách Việt không quen uống kvass còn có sự lựa chọn khác để thưởng thức thứ đồ uống này: Dùng nó để làm những món súp rau lạnh như tyurya và okroshka.

Thiên nhiên vô tận

Khu bảo tồn tự nhiên Orenburg là điểm đến lý tưởng cho người yêu thiên nhiên. Nhờ vào sự đa dạng địa hình và khí hậu, đây là nơi mà những hệ sinh thái khác nhau có thể tồn tại bên cạnh nhau. Một nhà văn Nga từng miêu tả: “Nếu coi miền trung nước Nga là một khu rừng lớn thì Orenburg là bìa rừng. Vượt qua cái biên giới đó là mảnh đất cằn cỗi mang tên Kazakhstan”.

orenburg-2.jpg
Sự tĩnh lặng của Orenburg là liều thuốc tốt cho những du khách muốn chạy trốn cái xô bồ nơi phố thị.

Khu vực thảo nguyên Talovskaya ở phía tây Khu bảo tồn Orenburg chủ yếu là thung lũng, hẻm núi và máng sông. Du khách đến đây để ngắm nhìn các loài chim, đặc biệt là giống đại bàng hung đã được đưa vào sách Đỏ. Chim chóc làm tổ ở các hốc đá vắt vẻo trên những ngọn núi đá vôi nhọn hoắt. Dưới chân và trên sườn các ngọn núi đó lại là mồ mả của người dân du mục Sarmatia từng sống trên thảo nguyên từ trước Công nguyên.

Thảo nguyên Burtinskaya ở gần thành phố Orenburg nhất và được hưởng dòng nước từ sông Ural và các phụ lưu. Nhờ vậy mà các giống macmot (loài động vật có vú thuộc họ sóc), hải ly, rái cá sống nhiều ở đây. Tuy vậy, gần đây, việc săn bắt quá mức và môi trường sống bị thu hẹp đã khiến số lượng các loài vật này giảm đi đáng kể. Chính phủ Nga mới đây đã mở rộng chiến dịch nhân giống bảo tồn loài hải ly. Một loài động vật bị đe dọa khác đang được nhân giống tại Burtinskaya là ngựa hoang Mông Cổ. Hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 1.800 cá thể ngựa hoang Mông Cổ, trong đó có một đàn 8 con ở Burtinskaya.

Thảo nguyên Aytuarskaya được đặt tên theo con sông Aytuarka chảy qua những dãy núi đá vôi tại đây. Nước và đá đã tạo nên địa hình karst hiểm trở và hùng vĩ. Ở những nơi trên thảo nguyên không có núi lại có rừng bạch dương. Nếu may mắn, du khách có thể chứng kiến những con linh miêu và nai sừng tấm ẩn hiện sau những rặng cây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Orenburg - cửa ngõ hai châu lục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.