(HNMCT) - Sau 2 năm lao đao vì đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đang phục hồi mạnh mẽ khi hầu hết các quốc gia dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội, đồng thời mở cửa biên giới trở lại. Không bỏ lỡ “thời gian vàng” đối với ngành "công nghiệp không khói" vào mùa hè tới, nhiều quốc gia đã tung ra chiến lược đa dạng nhằm thu hút khách du lịch.
Để khởi động cho mùa du lịch sôi động, trên khắp Nhật Bản, nhiều hoạt động đã được tổ chức trong Tuần lễ vàng từ ngày 29-4 đến 8-5. Bên cạnh các chương trình quảng bá ẩm thực, rạp chiếu phim ngoài trời, triển lãm nghệ thuật, đất nước Mặt trời mọc còn tổ chức 10 lễ hội ngắm hoa anh đào.
Theo Công ty Đường sắt Nhật Bản, lượng khách đặt vé đi các tuyến tàu siêu tốc tăng 56% - 284% trong khoảng thời gian từ 28-4 đến 9-5 so với cùng thời điểm năm ngoái. Các chuyến bay nội địa của các hãng hàng không Japan Airlines, All Nippon Airways gần như đã được đặt hết. Lượng khách du lịch quốc tế cũng tăng trở lại khi số vé máy bay từ nước ngoài tới Nhật Ban tăng hơn 4 lần so với năm ngoái.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan thành lập một ủy ban mới để chỉ đạo các biện pháp nhằm thu hút du khách nước ngoài có sức mua cao đến xứ sở Chùa Vàng, coi đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, ủy ban này sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để điều chỉnh một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế.
Đáng chú ý, trong thời gian tới, Thái Lan sẽ xây dựng hình ảnh như một phim trường lý tưởng. Tất cả các đoàn quay phim nước ngoài muốn lấy bối cảnh tại đất nước Chùa Vàng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hết mức có thể, từ thủ tục làm visa tới thời gian lưu trú. Theo các quan chức Thái Lan, chiến lược này được xem như “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa có thể thu hút thêm lượng khách du lịch tới đất nước, vừa quảng bá rộng rãi hình ảnh Thái Lan thông qua các thước phim của nhà sản xuất nước ngoài.
Ngoài ra, Trung tâm quản lý kinh tế Thái Lan (CESA) đã đồng ý trên nguyên tắc dự thảo kế hoạch phát triển và phục hồi ngành Du lịch của đất nước mang tên “Amazing Thailand, Amazing Andaman” (tạm dịch “Thái Lan tuyệt vời, biển Andaman tuyệt vời”). Kế hoạch bao gồm một số chiến lược cốt lõi nhằm thúc đẩy du lịch chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ phát triển "ngành công nghiệp không khói". Việc nâng cao năng lực quản lý và điều hành du lịch của các địa phương cũng sẽ được chú trọng.
Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), về ngắn hạn, bằng các chương trình trợ giá khách sạn “We Travel Together”, chương trình trợ giá trọn gói cho chuyến du lịch “Tour Teaw Thai”, Thái Lan cố gắng đạt mục tiêu đón 7 - 10 triệu lượt du khách tới thăm nước này trong năm nay. Tính đến ngày 3-5, Thái Lan đã đón 853.165 khách du lịch, trong đó có 74.414 khách du lịch đến từ Anh, tiếp theo là Đức (63.342), Nga (55.995), Ấn Độ (51.783) và Mỹ (49.792). Trong một báo cáo gần đây, người tìm kiếm vé máy bay đến Thái Lan đã tăng gấp 4 lần; Bangkok trở thành điểm đến hàng đầu của người Na Uy trong kỳ nghỉ hè.
Tại châu Âu, Hy Lạp đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch kích cầu du lịch. Mùa du lịch hè tại Hy Lạp bắt đầu từ ngày 24-4 và chính phủ nước này dự kiến đón lượng lớn khách du lịch trong năm nay với dự báo đạt 80% lượng khách của năm 2019, tức vào khoảng 33 triệu du khách. Theo Bộ trưởng Du lịch Vasilis Kikilias, ông sẽ thực hiện chiến lược quảng bá Hy Lạp để kết nối với các thị trường trên thế giới.
Trong khuôn khổ chiến lược này, Bộ trưởng Kikilias sẽ sớm thăm một số quốc gia để truyền đi thông điệp Hy Lạp là “một phần đẹp nhất của thế giới”. Điểm dừng chân đầu tiên của ông sẽ là Romania, quốc gia có nhiều khách du lịch tới Hy Lạp bằng đường bộ. Điểm đáng chú ý trong chiến lược kích cầu du lịch của Hy Lạp là duy trì lượng khách quốc tế đều đặn trong cả năm. Để thu hút du khách quốc tế quanh năm, Hy Lạp sẽ tập trung quảng bá những điểm đến độc đáo vào mùa đông, những khu nghỉ dưỡng ở thành phố Athens, Thessaloniki hay các hòn đảo chưa được nhiều người biết tới.
Để kích cầu du lịch nội địa, Hy Lạp sẽ sớm đổi mới chương trình trợ cấp kỳ nghỉ có tên “Tourism for All” (Du lịch cho tất cả mọi người). Đây là một món quà cho những người có thu nhập thấp, đồng thời cũng thúc đẩy du lịch trong nước. Chương trình sẽ khởi động vào tháng 7 với gói hỗ trợ 30 triệu euro được phân bổ từ ngân sách nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, du lịch là một trong những phương tiện mạnh nhất để kích thích nền kinh tế và thúc đẩy phục hồi. Nhiều quốc gia đang nắm bắt cơ hội này để bù đắp những thiệt hại do cuộc khủng hoảng sức khỏe và y tế gây ra suốt 2 năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.