Theo dõi Báo Hànộimới trên

Opera "Nàng tiên trong ống tre": Vẻ đẹp làm say lòng người

Yên Nga| 07/02/2015 07:09

(HNM) - Tối 6 và 7-2, tại Nhà hát Lớn - Hà Nội diễn ra buổi công diễn vở opera



Những khán giả đã xem Lê Hùng dựng opera "Sự trả ơn của con Hạc" vào năm 2013 (kịch bản cũng của Nhật Bản) hẳn còn nhớ cảm giác ấn tượng trước sắc màu nhạc kịch bi tráng, giàu cảm xúc với lớp lớp diễn biến. Lần này, Lê Hùng lại được mời đích danh dàn dựng vở "Nàng tiên trong ống tre", một vở diễn mà thử thách chắc chắn nhiều hơn bởi tuyến nhân vật rất đa dạng, dàn diễn viên không chỉ gồm người của nước bạn mà gồm cả nghệ sĩ Việt Nam. Lê Hùng nói rằng, may thay, cùng đạo diễn với ông còn có Miura Yasuhiro, "hai cái đầu bao giờ cũng hơn".

"Nàng tiên trong ống tre" là truyện cổ tích dân gian của Nhật Bản, kể về cuộc đời cô gái bí ẩn được phát hiện khi còn là một em bé nằm trong một ống tre phát sáng, được cho là đến từ Mặt trăng. Lớn lên, cô gái có một nhan sắc tuyệt vời làm say lòng rất nhiều chàng trai, từ năm vị hoàng tử cho đến đức vua và điều đó khiến cho cha mẹ nuôi của nàng phải vất vả... đối phó với những lời cầu hôn. Nàng, dù đã thương yêu đức vua nhưng không dám nhận lời vì biết rồi một ngày nào đó mình sẽ phải trở về Mặt trăng…

Tuy là một câu chuyện phổ biến ở đất nước Mặt trời mọc nhưng "Nàng tiên trong ống tre" ít được dàn dựng cho sân khấu opera, bởi thế, ê kíp đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật viên người Nhật Bản cũng tỏ ra bỡ ngỡ như người Việt Nam vậy. Toàn bộ diễn viên và đạo diễn của Việt Nam đã sang Nhật Bản trong hơn nửa tháng, miệt mài luyện tập. Vở diễn hoàn toàn bằng tiếng Nhật Bản, "chạy" phụ đề tiếng Việt, nên diễn viên nước bạn phải cố một thì diễn viên của ta phải cố mười. Hơn nữa, nghệ sĩ opera của cả ta và bạn lâu nay thường chú trọng giọng hát, ít khi chú ý diễn xuất hình thể. Hơn nữa, về mặt dàn dựng, opera không giống như sân khấu kịch hát khác, yếu tố đầu tiên để chọn diễn viên cho từng vai là giọng hát: Nam/nữ cao, nam/nữ trung, nam/nữ trầm… Giọng nào vào vai đấy, đạo diễn đã phải rất vất vả để chỉnh sửa kỹ năng tạo hình và diễn xuất của từng diễn viên. Các nghệ sĩ kể, Miura thường quan sát kỹ và chỉ đạo bằng lời nói, nhưng Lê Hùng thì xộc thẳng lên sân khấu, "cầm tay chỉ việc" từng tí một nên lúc nào cũng có một đến hai phiên dịch phải chạy theo ông để truyền lời thị phạm... Trong thời gian cả đoàn ở Nhật Bản thì tại Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam ra sức tập dưới bàn tay chỉ huy quen thuộc của nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji.

Về lại Việt Nam chỉ 5 ngày trước khi công diễn, tất cả phải đối mặt với lịch tập ghép dày đặc tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Những người đến xem hoàn toàn đắm chìm trong vở nhạc kịch tráng lệ, say lòng. Sân khấu thiết kế đơn giản nhưng tinh tế với những tre, trúc gần gũi với khán giả ta. Ánh sáng, đạo cụ, cách chuyển cảnh gọn gàng cho thấy sự tính toán kỹ càng của hai đạo diễn. "Nàng tiên trong ống tre" hiện lên đẹp đẽ, rực sáng từ giọng hát đến phục trang cho ngôi sao Kouda Hiroko. Hai nhân vật bố mẹ nuôi nàng tiên - do Fukushima Akiya, Kanon Etsuko thủ vai - hiện lên gần gũi trong lối diễn linh hoạt, đủ để khán giả ít nghe opera cũng thấy dễ nhập cuộc. Vũ Mạnh Dũng, Minh Tới, Khánh Cường, Mạnh Đức, Thăng Long, Tiến Quang diễn nhịp nhàng. Lê Hùng cười đắc ý: "Giọng ca của chúng ta tuyệt lắm, nhưng nhiều người quen với phong cách làm việc bê trễ, cẩu thả. Lần này hẳn họ đã có được nhiều kinh nghiệm và rèn được cách làm việc nghiêm túc, tập trung của người Nhật Bản. Chẳng mấy rồi họ sẽ tiến bộ, mang lại bộ mặt mới cho opera Việt".

Sau khi diễn ở Việt Nam, NSND Lê Hùng không giấu giếm mong muốn "khoe" tác phẩm tại nước bạn. Người Nhật Bản chắc cũng tò mò về một "phiên bản" có màu sắc nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Opera "Nàng tiên trong ống tre": Vẻ đẹp làm say lòng người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.