(HNM) - Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã quyết định tăng sản lượng khai thác dầu thô, thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 8. Mức tăng này được nhận định là chưa tạo đột phá để có thể sẽ làm giảm đáng kể giá nhiên liệu đang ở mức rất cao. Trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng đang gây ra lạm phát, việc này khiến dấu hiệu suy thoái tiếp tục "phủ bóng" lên nền kinh tế toàn cầu.
OPEC+ đưa ra quyết định trên bất chấp lời kêu gọi "bơm" thêm dầu vào thị trường để hạ nhiệt giá dầu thô. Giám đốc điều hành Công ty Shell Ben van Beurden cho rằng, có lẽ tại thời điểm hiện tại, OPEC+ chưa đủ năng lực để tiếp tục tăng sản lượng như thị trường kỳ vọng. Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine. Tính đến nay, giá dầu đang ở mức trên 115 USD/thùng.
Theo các nhà phân tích, về mặt lý thuyết, tổ chức này có thể giúp hạ giá dầu bằng cách tăng sản lượng. Nhưng thực tế, nhiều quốc gia sản xuất dầu đang chật vật trong việc tăng nhanh sản lượng như các quyết định của liên minh đề ra. Nga, một thành viên có ảnh hưởng của OPEC+, đang phải chịu áp lực trừng phạt nghiêm khắc vì cuộc xung đột Ukraine và nguồn cung của nước này bị hạn chế.
Trong khi đó, Nigeria và Angola từ lâu đã không sản xuất đủ dầu theo mức đặt ra. Trong khối, những nước thực sự có công suất dự phòng - mức công suất có thể đạt được trong vòng 90 ngày và duy trì thời gian dài - là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có công suất dự phòng dưới 3 triệu thùng mỗi ngày. Còn các quốc gia thành viên khác không thể theo kịp mục tiêu tăng sản lượng do "công suất dự phòng và hiệu quả hoạt động giảm".
Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng của OPEC+ đã giảm 2,8 triệu thùng/ngày so với mức thỏa thuận vào tháng 5. Nhà phân tích hàng hóa Carsten Fritsch tại Commerzbank nhận xét: “Chỉ rất ít nước thành viên có khả năng sản xuất đủ hạn ngạch. Câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia có năng lực dự phòng như Saudi Arabia hay UAE có được phép để thay các nước kia hoàn thành mục tiêu hay không”.
Trước đó, OPEC+ đã bổ sung khoảng 432.000 thùng mỗi ngày để đưa dầu trở lại thị trường sau khi cắt giảm sản lượng đáng kể trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19. Quyết định tăng sản lượng dầu lần này được coi là thiện chí mà nước đứng đầu OPEC+ Saudi Arabia gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden trước thềm chuyến thăm chính thức đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ tới khu vực Trung Đông trong đó có Saudi Arabia vào giữa tháng 7.
Giá dầu ở mức từ 110 USD đến 120 USD/thùng đang gây sức ép lớn với người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, cũng như các quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7). Tổng thống Joe Biden đối mặt với áp lực chính trị trong nước, đã thúc giục các nước sản xuất dầu tăng sản lượng nhằm hạ giá nhiên liệu.
Tại Mỹ, giá xăng bán lẻ lần đầu tiên vượt 5 USD/gallon (tương đương gần 3,8l) trong tháng 6, gây nhức nhối người tiêu dùng, cho dù hầu hết các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang hoạt động hết công suất. Thế nên, ngay cả khi có nhiều dầu được sản xuất hơn, họ cũng không thể giảm giá bằng cách nhanh chóng biến nó thành xăng, nhiên liệu máy bay và dầu diesel.
Trong khi sự lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng thể hiện rõ, nhưng công suất dự phòng thấp trong OPEC+ cho thấy tổ chức này có thể không muốn tăng cường sản xuất, ngay cả khi họ có thể. Các chuyên gia nhận định, bước đi này của OPEC+ vừa bảo đảm ổn định về lượng dầu dự trữ vừa nhằm giữ giá dầu ở mức cao. Và nếu như xảy ra một đợt phong tỏa ở Libya hoặc một cơn bão lớn ở vịnh Mexico thì thế giới khó tránh khỏi một đợt tăng đột biến lớn khác về giá dầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.