Thế giới

Giá dầu thế giới giảm mạnh:Nguy cơ dư thừa nguồn cung

Thùy Dương 13/04/2025 - 07:06

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch cuối tuần và dự kiến giảm trong tuần thứ hai liên tiếp. Giới chuyên gia kinh tế lo ngại cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến nguồn cung dầu có nguy cơ dư thừa chỉ sau vài tháng nữa...

Sau cú bật tăng bất ngờ ở phiên giao dịch ngày 9-4, giá dầu lại tìm về xu hướng giảm ở phiên giao dịch ngày 10-4 (giờ địa phương) khi các nhà đầu tư đánh giá lại kế hoạch tạm dừng áp thuế toàn diện của Mỹ và chuyển sự chú ý sang cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Giá dầu Brent giảm 2,15 USD, tương đương 3,3%, xuống mức 63,33 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 2,28 USD, tương đương 3,7%, xuống mức 60,07 USD/thùng.

gia-dau.jpg
Giá dầu giảm do cuộc chiến thuế quan gia tăng trên toàn cầu. Ảnh: AA

Theo Công ty Tư vấn thương mại Ritterbusch and Associates, mức thuế quan cao hơn đối với Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh giảm lượng dầu thô nhập khẩu từ Mỹ, hỗ trợ nguồn cung và tăng mức dự trữ của Washington. Dữ liệu từ Công ty theo dõi tàu biển Kpler cho thấy, lượng dầu thô xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm xuống còn 112.000 thùng/ngày trong tháng 3-2025, chỉ bằng gần 1/2 so với mức 190.000 thùng/ngày của năm 2024.

Cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với Trung Quốc lên 145%. Ngay lập tức, Trung Quốc tăng thuế đối với tất cả hàng hóa Mỹ từ 84% lên 125%. Trước động thái này, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo rằng thuế quan có thể gây sức ép lớn lên giá dầu. Tính từ ngày 2-4, thời điểm Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng lên toàn bộ hàng nhập khẩu, giá của hai mặt hàng dầu chuẩn là Brent và WTI đã mất gần 17%. So với giá bình quân năm 2024 thì giá dầu Brent giảm 21,3% và WTI giảm 21,4%.

Tổn thất của dầu mỏ đã trở nên trầm trọng hơn do quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) khôi phục sản lượng với tốc độ nhanh hơn dự kiến để đảo ngược việc cắt giảm kéo dài 2 năm. OPEC+ sẽ tăng sản lượng dầu thô trong tháng 5 thêm 411.000 thùng/ngày. Kế hoạch nới lỏng các mức cắt giảm sản lượng tự nguyện - dự kiến ban đầu được thực hiện vào tháng 11-2023 bởi 8 thành viên OPEC+, trong đó có Saudi Arabia, Nga, UAE và Iraq, đã bị lùi lại nhiều lần trong bối cảnh lo ngại về tình trạng dư nguồn cung dầu trên thị trường. Trong khi Saudi Arabia có thể đang chiều theo nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm giảm giá nhiên liệu để giành được sự ủng hộ về mặt chính trị, các thành viên khác trong OPEC+ cho biết quyết định này cuối cùng là nhằm vào những nước vi phạm hạn ngạch như Kazakhstan và Iraq. “Cú đấm kép” này đã làm dấy lên mối lo ngại rằng tình trạng dư thừa dầu mỏ sẽ còn lớn hơn nữa.

Dù các mặt hàng như dầu thô, khí đốt và sản phẩm tinh chế chưa bị đưa vào danh sách áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng các biện pháp thương mại cứng rắn từ Washington được dự báo sẽ đẩy lạm phát tăng, làm chậm tăng trưởng và gây sức ép lên giá dầu. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent và WTI sẽ giảm xuống lần lượt còn 62 USD/thùng và 58 USD/thùng vào tháng 12-2025. Tương tự, Ngân hàng HSBC cũng cắt giảm dự

báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025 từ 1 triệu thùng/ ngày xuống còn 900.000 thùng/ngày, do tác động từ chính sách thuế và quyết định tăng sản lượng của OPEC+. Trong khi Ngân hàng đầu tư JPMorgan nâng xác suất xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối năm nay lên 60%, từ mức 40% trong dự báo trước.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, các mức thuế mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố “vượt xa dự báo ban đầu”, đồng thời cảnh báo các hệ lụy về kinh tế như lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại nhiều khả năng cũng sẽ nghiêm trọng hơn. Và đây sẽ là thách thức lớn với các quyết sách điều hành sắp tới của Fed.

Là hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, một cuộc tranh chấp thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động đến mức tiêu thụ dầu thô. Đợt bán tháo gần đây cũng lan sâu vào đường cong giá dầu tương lai, cho thấy nguy cơ dư nguồn cung dầu sẽ xuất hiện chỉ sau vài tháng nữa. Ông Daan Struyven, Trưởng bộ phận nghiên cứu dầu mỏ của Goldman Sachs nhận định, rủi ro với giá dầu vẫn nghiêng về chiều hướng tiêu cực, đặc biệt từ năm 2026, trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi và nguồn cung từ OPEC+ có thể tiếp tục mở rộng.

(Theo CNBC, Nasdaq, Economic Times)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá dầu thế giới giảm mạnh: Nguy cơ dư thừa nguồn cung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.