Thị trường

Ổn định thị trường vàng: Cần những giải pháp căn cơ

Hương Thủy 07/06/2024 - 06:40

Sau thời gian thực hiện đấu thầu vàng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không giảm như kỳ vọng.

Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn, để các đơn vị này bán trực tiếp cho người dân. Tuy bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.

vang-1.jpg
Người dân làm thủ tục mua vàng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (quận Ba Đình).

Hiệu quả bước đầu

Trước bối cảnh thị trường vàng bất ổn, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng, gây rủi ro cho người mua, đồng thời khiến nguy cơ buôn lậu vàng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường.

Trong 5 phiên đấu thầu vàng miếng SJC đầu tiên cùng có khối lượng 16.800 lượng vàng, có tới 3 phiên bị hủy, chỉ 2 phiên thành công với tổng lượng trúng thầu 6.800 lượng vàng. Sau 9 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC tăng cung ra thị trường với 6 phiên thành công, tổng khối lượng vàng trúng thầu là 48.500 lượng (tương đương hơn 1,8 tấn).

Song trái với kỳ vọng thu hẹp chênh lệch với giá thế giới, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng trên thị trường lại tăng. Thời điểm trước khi diễn ra phiên đấu thầu đầu tiên ngày 22-4, giá vàng ở mức 84 triệu đồng/lượng nhưng đến ngày 10-5 giá vàng lên mức lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tăng từ 10 triệu đồng/lượng lên khoảng 19 triệu đồng/lượng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau 9 lần đấu thầu vàng, chênh lệch giá vàng vẫn không giảm như kỳ vọng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước quyết định dừng đấu thầu. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước theo mức giá do Ngân hàng Nhà nước xác định căn cứ theo giá thế giới. Sau đó, danh sách bổ sung thêm Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Biện pháp trên bước đầu đã có tác động tích cực. Chưa đầy 1 tuần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thông tin, tính đến sáng 3-6, dù chưa thực hiện, giá vàng đã giảm khoảng 10 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá thế giới giảm còn khoảng 9,5 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đến chiều 6-6 ở mức khoảng 4 triệu đồng/lượng.

Vẫn cần sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP

vang-2.jpg
Người dân xếp hàng chờ mua vàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Minh Chiến

Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC để các đơn vị này bán trực tiếp cho người dân chỉ là giải pháp trước mắt, không thể thực hiện lâu dài. Biện pháp mới này chỉ thực sự có hiệu quả khi đáp ứng điều kiện cần là giá vàng giảm và điều kiện đủ là cung đáp ứng được cầu.

Chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, cung vẫn chưa đáp ứng được cầu cho thấy, việc giá vàng giảm chỉ là giảm “nhân tạo” chứ không phải giảm do cung - cầu trên thị trường. Vì thế, nếu nguồn cung không được duy trì, Ngân hàng Nhà nước dừng bán vàng thì giá vàng trên thị trường có thể sẽ “nhảy múa” trở lại.

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) Đào Xuân Tuấn thông tin, phương án này bước đầu đã nhận được sự quan tâm, đánh giá tích cực của dư luận. Việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế dẫn tới giá bán vàng của các ngân hàng thương mại nhà nước và SJC có thể sẽ còn giảm.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh việc sớm nghiên cứu sửa đổi triệt để Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cần được sửa đổi theo hướng Ngân hàng Nhà nước trao vai trò nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp kinh doanh vàng và Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lượng nhập khẩu. Cùng với đó, bỏ thương hiệu vàng quốc gia SJC để các sản phẩm vàng cạnh tranh bình đẳng, tạo sự thông thoáng cho thị trường vàng.

trong-thinh.jpg

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính):

Biện pháp cần thiết

Sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng SJC, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không thu hẹp như kỳ vọng, bởi doanh nghiệp trúng thầu tự quyết giá, họ có thể bán ở mức cao nhằm thu nhiều lợi nhuận. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang bán vàng cho ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty SJC để các đơn vị này bán trực tiếp cho người dân là biện pháp phù hợp.

Người dân cần tỉnh táo, không nên đổ xô đi mua vàng bằng mọi cách để đỡ vất vả vừa tránh rủi ro, bởi giá vàng đã liên tục giảm và dự báo có thể còn tiếp tục đi xuống.

Cùng với biện pháp trên, việc Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các ngành liên quan, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp và đến ngày 15-6 cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng phải xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán, cũng là giải pháp rất cần thiết, góp phần đưa thị trường hoạt động minh bạch.

duy-phuong.jpg

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương:

Giải tỏa “cơn khát” trên thị trường

Trong hơn 10 năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không được nhập khẩu vàng. Vàng được thu mua trên thị trường là nguồn nguyên liệu duy nhất cho nhu cầu sản xuất trang sức. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong xác định nguồn gốc vàng nguyên liệu, nên lo ngại về rủi ro, kể cả về mặt pháp lý. Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng, sau đó là bán qua ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty SJC, đã giúp doanh nghiệp có nguồn cung đáng kể, đồng thời thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.

Thực tế, nhu cầu về vàng trên thị trường thời gian qua một phần là “lướt sóng”, phần khác là nhu cầu tích lũy. Theo tôi, cùng với ổn định thị trường vàng cần khơi thông thị trường bất động sản, phát triển thị trường chứng khoán. Kênh gửi tiết kiệm, chứng khoán và bất động sản thời gian qua giảm hấp dẫn nên vốn dồn nhiều vào vàng. Mà tiền đổ vào vàng có nghĩa là tiền nằm im, không có lợi cho nền kinh tế. Khi 3 kênh đầu tư trên khởi sắc, nhà đầu tư sẽ chuyển dịch vốn từ vàng sang.

ngoc-huyen.jpg

Chị Trương Ngọc Huyền, (phố Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình):

Cần cung vàng nhiều hơn

Vàng có thanh khoản tốt, nên được nhiều người dân quan tâm. Tuy nhiên, như tôi được biết, đầu tư vàng rất rủi ro bởi giá tăng nhanh nhưng giảm cũng rất nhanh. Hơn nữa, thị trường này chịu tác động nhiều từ tâm lý, cứ thấy nhiều người mua là mua. Khi giá vàng ở mức rất cao 92,4 triệu đồng/lượng, nhiều người đã kiên nhẫn xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ để mua vàng, thậm chí có người dành cả 2-3 ngày để đi mua vàng, vì mỗi lần mua chỉ được số lượng nhất định. Tuy nhiên, những ai mua vào thời điểm đó thì nay đã bị lỗ nặng. Trong những ngày gần đây, nhu cầu vàng vẫn cao, điển hình là khi Ngân hàng Nhà nước đưa vàng ra thị trường qua ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty SJC, nhiều người đã vất vả “đội” nắng, “đội” mưa, đi vài ba lượt mới mua được vàng. Có lẽ không ở nước nào mà người dân lại phải vất vả khi mua vàng như vậy. Tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước cung vàng dồi dào ra thị trường để đáp ứng đủ nhu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ổn định thị trường vàng: Cần những giải pháp căn cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.