Thị trường

Giải pháp mới có giúp thu hẹp chênh lệch giá vàng?

Thanh Hương 30/05/2024 14:08

Sau 9 phiên đấu thầu vàng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không thu hẹp như kỳ vọng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng và sẽ bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh để các ngân hàng này bán trực tiếp đến người dân.

Theo chuyên gia, giải pháp này nhiều khả năng sẽ giúp giá vàng trong nước về sát với giá quốc tế.

Ngân hàng đã sẵn sàng

Ngày 29-5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, nhằm bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng. Ảnh: TTXVN

Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới. Dự kiến ngày 3-6, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại này theo mức giá do Ngân hàng Nhà nước xác định, căn cứ theo giá thế giới.

Tại phiên họp Quốc hội cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin, qua 9 phiên đấu thầu vàng miếng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế không giảm như kỳ vọng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu và xây dựng phương án mới giảm được chênh lệch giá vàng, đi đôi với minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng.

Đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại quốc doanh, với mạng lưới rộng khắp, đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để bán vàng trực tiếp tới người dân.

Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, việc bán vàng trực tiếp tới người dân sẽ được thực hiện từ ngày 3-6. BIDV sẽ thiết lập mạng lưới phân phối ở các địa bàn chính (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu…). Trước mắt, BIDV triển khai ngay tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giá bán vàng miếng sẽ được công bố công khai trên website của ngân hàng để người dân tiện theo dõi.

Tính khả thi cao

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về giải pháp mới của Ngân hàng Nhà nước, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Cố vấn Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho rằng, đây là biện pháp tích cực. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói mức giá do Ngân hàng Nhà nước xác định, căn cứ theo giá thế giới, mà giá thế giới quy đổi ngày 30-5 là khoảng 72 triệu đồng/lượng. Vì thế, để đánh giá tính hiệu quả của giải pháp này phải mất 1-2 tuần để thị trường hấp thụ lượng vàng Ngân hàng Nhà nước bán cho ngân hàng thương mại quốc doanh mới biết được.

"Mức giá Ngân hàng Nhà nước bán cho ngân hàng thương mại càng sát giá vàng thế giới càng tốt", ông Khánh kỳ vọng.

Chuyên gia Trần Duy Phương cũng cho rằng, giải pháp này sẽ tác động tích cực đến thị trường bởi trước đây doanh nghiệp trúng thầu vàng tự quyết định giá bán, có thể họ bán với giá cao để thu nhiều lợi nhuận. Lần này, Ngân hàng Nhà nước triển khai thông qua các ngân hàng thương mại quốc doanh, những ngân hàng này sẽ bán theo giá Ngân hàng Nhà nước chỉ định, căn cứ giá thế giới.

Người dân giao dịch vàng. Ảnh: Hương Thủy
Giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá thế giới khoảng 16,7 triệu đồng/lượng. Ảnh: Hương Thủy

Như vậy, có thể hiểu, giá vàng Ngân hàng Nhà nước ấn định sẽ có biên độ +-, giống như tỷ giá trung tâm. Giá vàng miếng SJC sẽ sát hơn với giá thế giới và quan trọng là người dân có thể mua vàng theo nhu cầu. Giải pháp này sẽ giúp giá vàng SJC diễn biến theo giá thế giới, từ đó xóa bỏ tâm lý đầu cơ, găm vàng. Vì thế, những người đang có ý định mua vàng sẽ không muốn mua nữa hoặc những người đã ôm nhiều vàng phải bán ra thời điểm này để tránh vàng SJC có thể “sập” giá.

Chưa kể, khi người dân mua vàng qua ngân hàng thương mại, có hóa đơn điện tử, có thống kê cụ thể nên Ngân hàng Nhà nước nắm rõ tình hình thực tế thị trường.

"Với giải pháp này, theo tôi hiểu, các ngân hàng thương mại quốc doanh phân phối vàng chứ không làm nghiệp vụ thu mua vào nên không phải cân đối trạng thái vàng, vì thế ngân hàng sẽ không gặp khó khăn", chuyên gia Trần Duy Phương chia sẻ.

Để giải pháp trên đạt hiệu quả là thu hẹp với giá thế giới, theo ông Trần Duy Phương, cần có hai yếu tố là Ngân hàng Nhà nước bán vàng với mức giá hợp lý và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên cho mở lại dịch vụ giữ hộ vàng, vì ngân hàng giữ hộ vàng sẽ tránh được tình trạng phải cung ứng vàng quá nhiều đến 1 chi nhánh ngân hàng. Thay vì người dân mua vàng và mang về nhà cất giữ thì có thể gửi lại ngân hàng giữ hộ, khi nào cần thì báo ngân hàng, như thế chỉ cần cung đến chi nhánh lượng vàng nhất định.

Cùng với giải pháp trên, cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó xóa bỏ độc quyền vàng SJC.

Bên cạnh đó, khơi thông thị trường bất động sản, phát triển thị trường chứng khoán cũng rất quan trọng. Ba kênh gửi tiết kiệm, chứng khoán và bất động sản thời gian qua giảm hấp dẫn nên vốn dồn nhiều vào vàng. Vì thế, nếu 3 kênh trên khởi sắc, nhà đầu tư sẽ chuyển dịch vốn từ vàng sang.

Thị trường vàng đã có phản ứng đầu tiên sau động thái của Ngân hàng Nhà nước khi sáng 30-5 giá vàng miếng SJC giảm mạnh, có nơi giảm tới 2,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán, xuống mức 87 triệu đồng/lượng-mức thấp nhất kể từ ngày 7-5. Tuy nhiên sau đó, giá vàng giảm chậm lại. Lúc trưa nay, giá vàng miếng hạ 2,3-4,1 triệu đồng/lượng (chiều mua) và 1,8-2,3 triệu đồng/lượng (chiều bán) so với cuối ngày hôm trước, giao dịch ở mức 84,5-86 triệu đồng/lượng (mua vào) và 87,5-88,5 triệu đồng/lượng (bán ra).

Một số chuyên gia cho rằng, giá vàng miếng SJC giảm mạnh là phản ứng bình thường của thị trường. Trước đó, khi có thông tin đấu thầu vàng để cung vàng ra thị trường, giá vàng miếng SJC cũng giảm mạnh, sau đó tăng trở lại do giá khởi điểm ở mức cao. Vì thế, lần này, nếu giá vàng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra ở mức sát với giá thế giới và giá vàng quốc tế không tăng mạnh, giá vàng miếng SJC sẽ tiếp tục giảm. Ngược lại, giá kim loại quý có thể tăng trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp mới có giúp thu hẹp chênh lệch giá vàng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.