(HNMO) - Báo cáo tình hình nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho biết, rau quả, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc, ô tô nguyên chiếc thuộc nhóm cần hạn chế nhập khẩu.
Bộ Công Thương thông tin, trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát đạt 8,49 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nhóm hàng này, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 21%, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 41,9%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 40,7% về kim ngạch.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho biết, hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Cụ thể, tháng 5-2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 28 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch nhóm hàng cần nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 115,26 tỷ USD, tăng 35,4%. Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng 5 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm 2020 như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,7%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 35,9%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 51,3%...
Cũng theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện trong tháng 5 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm nhập siêu 369 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,87 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.
Về hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng, xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc nhờ các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Ngoài ra, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam được dự báo là “động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.