Thời bao cấp
Năm 1958 Nhà nước thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh trên địa bàn Hà Nội. Nhà máy, xí nghiệp của tư nhân vào công tư hợp doanh, các hộ làm ăn cá thể được đưa vào các hợp tác xã. Một số nhà tư sản có ô tô con hay nhà giàu có xe sợ bị quy thành phần tư sản rục rịch hiến cho nhà nước. Một số khác vẫn sử dụng bình thường, tuy nhiên nguồn xăng dầu, phụ tùng thay thế bắt đầu hiếm, nhiều gia đình đã mua hàng phi xăng trữ trong nhà. Ông Trịnh Văn Thanh ở Cửa Nam có chiếc Peugeot mui trần đành phải bán cho Hãng Phim truyện Việt Nam. Còn chiếc xe của ông Trịnh Văn Căn, thi thoảng ngành văn hóa đến mượn để diễu hành và không ít lần về quê đích thân ông chủ Nhà máy Dệt Cự Doanh phải cầm vô lăng nên ông hiến luôn cho ngành văn hóa. Gia đình nhà anh Vinh ở Tân Đảo về cũng hiến cho Hà Nội chiếc Peugeot 303 và hiến cho tỉnh Ninh Bình chiếc Peugeot 304. Nói chung đến năm 1964, Hà Nội không còn ô tô tư nhân.
Khoảng 100 mẫu xe của nhiều hãng trên thế giới có mặt tại Việt Nam. Ảnh: Như Ý |
Cuối năm 1958, một sự kiện gây xôn xao quân và dân miền Bắc, đó là Quân đội nhân dân Việt Nam đã sản xuất được chiếc ô tô đầu tiên. Đại tá Hồ Mạnh Khang kể lại, hồi đó lãnh đạo Tổng cục Hậu cần và Cục Quản lý xe máy quân đội giao cho nhà máy Z157 thiết kế, sản xuất một chiếc xe ô tô con tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Khang được giao nhiệm vụ thiết kế mẫu xe. Ông cùng những cộng sự xin đến các sứ quán… để quan sát hình dáng bên ngoài những chiếc xe con. Phó lãnh sự quán Indonesia còn mời ông lên chiếc xe Dodge chạy một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Sau đó, gần 500 con người đã làm việc ngày đêm để thực hiện nhiệm vụ lịch sử này. Ngày 21-12-1958, chiếc xe "Chiến Thắng" biển số QS 0001 xuất xưởng. Cục trưởng Cục Quản lý xe Vũ Văn Đôn, Chính ủy Nguyễn Văn Lực cùng ông Khang lái chiếc "Chiến Thắng" lên báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác rất vui và nói: "Ta đã sản xuất được xe con. Từ nay về sau cần nghiên cứu, sản xuất xe vận tải để phục vụ đất nước". Rồi giọng Người trầm xuống: "Cảm ơn các chú đã quan tâm đến Bác, tặng Bác chiếc xe này. Nhưng hiện nay, Bác đã có xe đi rồi. Vậy các chú giúp Bác tặng lại chiếc xe này cho thương binh. Các chú ấy cần chiếc xe mới và tốt thế này hơn Bác". Quốc khánh năm 1959, ô tô con "Chiến Thắng" do quân đội chế tạo được xếp vào đội hình diễu binh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử trước con mắt ngạc nhiên của nhiều người.
Sau đó, Nhà nước bắt đầu nhập các loại ô tô con như: Volga, Moskovic, Giguli sản xuất ở Liên Xô, Skoda của Tiệp Khắc. Tùy theo chức vụ, cán bộ sẽ được sử dụng loại xe nào. Ví dụ như Bộ trưởng được tiêu chuẩn xe Volga; tiêu chuẩn của Thứ trưởng đi Moskovic; còn cấp trưởng của cục, vụ, viện đi Lada. Lada ban đầu có tên là Giguli, nhưng khi Liên Xô xuất khẩu loại xe này sang Phần Lan thì Giguli tiếng Phần Lan là rất xấu, rất dở nên được đổi tên thành Lada. Xe Lada có dòng xe 1.2, 1.3 và 1.5 không có trợ lực tay lái, khó nổ về mùa đông, xe cũ hay bị hỏng vặt nhưng máy bền. Nói vậy nhưng dòng xe này chẳng khá là bao. Bố của người bạn tôi phụ trách ngành lâm nghiệp thời bao cấp, ông gầy gò ốm yếu nhưng phải còng lưng đẩy chiếc Lada khi xe chết máy trong lần đi kiểm tra lâm trường ở Sơn La. Từ lần đó ông chỉ đi xe Uwazt .
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược nên xe con của cơ quan hay cán bộ trung, cao cấp được cấp theo định mức. Căn cứ vào đăng ký thời bao cấp, đến năm 1989, tổng cộng Hà Nội có khoảng hơn 300 xe Volga, Moskovic và Lada.
Và thời nay
Xe ô tô con vào Việt Nam khi Nhà nước cho phép tư nhân được sở hữu xe vào khoảng năm 1990. Tuy nhiên, chủ yếu là xe Nhật đã qua sử dụng mà người ta quen gọi là xe bãi. Cho đến thời điểm hiện tại, quan niệm xe Nhật tiết kiệm nhiên liệu, hỏng hóc chỉ cần ra chợ Trời hay phố Nguyễn Công Trứ có thể dễ dàng mua được đồ thay thế vẫn là cách nghĩ của nhiều người mà họ không hề biết rằng phụ tùng đó không phải chính hãng và có xuất xứ ở nước láng giềng. Và thời buổi cạnh tranh toàn cầu nên dòng xe sedan của các hãng đều tiết kiệm nhiên liệu, đâu phải chỉ có xe Nhật?
Luật Đầu tư nước ngoài được sửa đổi, nhu cầu sử dụng có xu hướng tăng khiến cho các nhà sản xuất ô tô trên thế giới bắt đầu quan tâm đến thị trường Việt Nam. Tính đến năm 1997, có 12 hãng chính thức đăng ký mở văn phòng hoặc liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam xây nhà máy lắp ráp ô tô trong đó có các hãng tên tuổi trên thế giới như: Toyota, Ford, Mercedes, Chysler... Tuy nhiên sau khủng hoảng tài chính ở Thái Lan tháng 7-1997, Chysler đã đóng cửa văn phòng tại Hà Nội. Lượng xe cá nhân tăng lên đáng kể và trên đường phố xuất hiện nhiều dòng xe hiện đại và nhiều cơ quan đã thanh lý xe Volga, Moskovic, Lada cho cá nhân. Những chiếc xe một thời là biểu trưng cho quyền lực nay trở thành xe tập lái hay chở khách tuyến Hà Nội - Lạng Sơn. Trong một vài năm trở lại đây, số lượng xe con của tư nhân đăng ký tăng lên từng ngày. Theo thống kê của một tạp chí ô tô, Việt Nam và Hà Nội có khoảng gần 100 mẫu xe của gần 20 hãng trên thế giới. Vào các buổi tối, quán cà phê lịch lãm dưới mái hiên của khách sạn Metropol (ngã ba phố Ngô Quyền - Lê Phụng Hiểu) không đông khách như các quán khác nhưng khách đa phần khá trẻ và giàu có. Họ là chủ nhân của những chiếc xe Bentley, Audi Q7, X6, Lamborghini... có giá vài tỷ đồng trở lên đỗ bên đường. Hà Nội hiện có gần 20 chiếc Rolls-Royce Phantom, nếu nộp đủ các loại phí, giá chiếc xe này khoảng 20 tỷ đồng. Hà Nội cũng có đại gia chơi chiếc MayBach 62S trị giá cả triệu đô la hay Limousine Chysler 300c Limo, mẫu xe mà các tài tử Hollywood ưa dùng dài đến mức đi qua ngã tư hẹp, đèn tín hiệu chuyển sang đỏ mà đuôi xe vẫn ở giữa ngã tư. Còn các mẫu xe hạng sang: Rangge Rover, Mercedes GL 550, Mercedes S300, S500, Lexus GX 470, Bentley... đếm không xuể. Chưa hết, còn phải kể đến các mẫu xe "độc" như Lamborghini Gallardo Coupe, Limousine GT Speed...
Thời Pháp đô hộ, tiền mua ô tô chắc chắn là tiền sạch bởi khó mà trốn thuế hay lợi dụng chức quyền kiếm chác, còn bây giờ, thật khó mà biết trong hàng trăm chiếc xe sang trọng nhiều tiền kia, chiếc nào mua bằng tiền sạch và sạch đến mức nào? Ví dụ như tại một xã vùng biên giới phía Tây bắc vốn là điểm nóng về ma túy có tới trên dưới 20 chiếc ô tô, toàn loại "khủng". Những chuyện tương tự như thế làm cho du khách nước ngoài tới Việt Nam vô cùng ngạc nhiên bởi chúng ta chỉ mới gia nhập vào cộng đồng những nước đang phát triển. Một chủ salon chuyên nhập xe sang trọng nhận định, nếu giao thông ở Việt Nam tốt hơn thì thế giới ra mẫu mới gì, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có khách đặt mẫu đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.