(HNM) - Ô tô nhập khẩu được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), với mức thuế nhập khẩu về 0% đã 2 năm, nhưng đến nay giá bán trên thị trường vẫn cao. Có nhiều nguyên nhân, nhưng mấu chốt là do thuế và phí trong nước cao, trong khi các doanh nghiệp đang sản xuất dưới ngưỡng công suất thiết kế rất xa.
Tích góp được hơn 300 triệu đồng, anh Vũ Thanh Tùng (thường trú tại tòa R5 Royal City, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) dự định mua chiếc xe ô tô giá rẻ nhập khẩu làm phương tiện đi lại. Sau hơn 2 tuần đi khảo sát thị trường, theo dõi trên các trang web bán hàng online, anh Vũ Thanh Tùng vẫn chưa thể tìm được chiếc xe nào ưng ý.
Thực tế, không riêng gì anh Vũ Thanh Tùng, đây cũng là tâm lý chung của nhiều người có mức thu nhập trung bình đang cố gắng tích góp để mua chiếc ô tô nhỏ nhằm “che nắng, che mưa” khi tham gia giao thông. Dù nguồn cung dồi dào, các hãng xe lại đưa ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để mua xe do mức giá đang cao so với mặt bằng chung của nhiều nước lân cận...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, giá ô tô tại Việt Nam cao hơn gần gấp hai lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia) và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn tại khu vực ASEAN từ ngày 1-1-2018 và sắp tới là Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản... Giá nhập khẩu trung bình ô tô các loại hiện nay đều có xu hướng giảm, chỉ ở mức hơn 4.000 USD/xe.
Nguồn cung nhiều, giá nhập khẩu giảm, nhưng vẫn vượt xa thu nhập của đại đa số người dân. Do đó, sức mua trên thị trường không tăng. Báo cáo của VAMA tháng 12-2019 cho thấy, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 33.159 xe (trong đó doanh số xe du lịch tăng 11%, xe thương mại tăng 10,5% và xe chuyên dụng tăng 14% so với tháng trước), nhưng lại thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó phân khúc xe thương mại và xe chuyên dụng vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng âm.
Nguyên nhân lớn nhất khiến giá ô tô ở mức cao là do thuế và phí trong nước cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp (các doanh nghiệp đang sản xuất dưới công suất thiết kế rất xa - đạt khoảng 250.000/650.000 chiếc/năm). Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) Lê Mạnh Hùng cho biết, kể từ năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm còn 0%, mức thuế này chỉ áp dụng với xe có tỷ lệ nội địa hóa ở các nước trong khối ASEAN từ 40% trở lên.
Không chỉ ô tô nhập khẩu, xe lắp ráp trong nước cũng chịu các loại thuế, phí khiến giá bán cao. Hiện nay, thuế nhập khẩu các linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô ở mức 5% - 20%; thuế tiêu thụ đặc biệt cũng áp 35% - 150% (tùy dung tích động cơ), cùng 10% VAT. Các chi phí cho mạng lưới đại lý, kênh phân phối dao động 10% - 20% cũng được tính vào giá xe.
Lý giải về nguyên nhân này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, dung lượng thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ, chưa đủ điều kiện như các quốc gia phát triển. Mặt khác, Việt Nam là nước đi sau, các chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng phải tuân thủ các cam kết quốc tế. Thêm vào đó, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ô tô.
Tìm giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ bảo vệ, tạo dựng phát triển thị trường ô tô trong nước với những hàng rào kỹ thuật, bảo đảm đúng các cam kết quốc tế. Chính phủ sẽ sửa biểu thuế, phí để tăng tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách sản xuất ô tô trong và ngoài nước, không để tình trạng thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, cao hơn cả nhập linh kiện về lắp ráp…
Từ các thay đổi về chính sách ưu đãi, thời gian tới, giá ô tô sản xuất trong nước có thể sẽ giảm, điều này sẽ tác động tích cực đến thị trường, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.