(HNMO) - Ngay trong tháng đầu mở bán, KIA Sportage 2022 đã trở thành mẫu crossover cỡ C bán chạy nhất tại Việt Nam, trong khi Hyundai Tucson 2022 từng bước tháo nút thắt nguồn cung để trở lại cuộc đua doanh số.
Lâu nay, phân khúc crossover cỡ C luôn nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng Việt Nam, do sở hữu những đặc tính phù hợp với thị hiếu và nhu cầu. Đây là phân khúc có lượng khách hàng lớn bậc nhất, chủ yếu tập trung ở nhóm yêu thích phong cách mạnh mẽ, hiện đại và chủ yếu sử dụng trong môi trường đô thị, thích trải nghiệm các công nghệ hiện đại và quan tâm nhiều tới tính năng an toàn.
Phân khúc này thường có sự xáo trộn ở nhóm dẫn đầu, nhưng hầu hết các vị trí đều bị chiếm lĩnh bởi các tên tuổi Nhật Bản như Mazda CX-5 hay Honda CR-V. Trong khi đó, Hyundai Tucson hay KIA Sportage đều trong tình trạng ế ẩm suốt nhiều năm. Tuy nhiên, gió đã đảo chiều kể từ đầu năm 2022, khi các mẫu xe đến từ Hàn Quốc trở lại chiếm ưu thế nhờ kiểu dáng mới bắt mắt và đa dạng về lựa chọn.
Cụ thể, cả Sportage và Tucson thế hệ mới nhất (đều trình làng trong năm 2022) cùng có các tùy chọn động cơ xăng, dầu, xăng tăng áp (turbo) và đa dạng về phiên bản. Đơn cử, KIA Sportage hiện có tới 8 biến thể khác nhau, vượt xa các mẫu xe Nhật Bản vốn chỉ có từ 2-3 biến thể, nhờ vậy cùng lúc có thể đáp ứng linh hoạt nhiều nhóm khách hàng. Nhờ điều này, theo ghi nhận, doanh số tháng đầu mở bán của Sportage 2022 là 744 chiếc, trong khi “đồng hương” Hyundai Tucson đứng ở vị trí thứ hai với 653 xe bán ra.
Về phần mình, Mazda CX-5 có 613 xe tới tay người dùng trong tháng 7, còn Honda CR-V đạt 535 xe bán ra. Thậm chí, Mitsubishi Outlander chỉ bán được 302 xe trong tháng vừa qua. Theo một số đại lý, nguồn cung giảm là một trong những nguyên nhân khiến các mẫu ô tô đến từ xứ sở mặt trời mọc bán được ít hơn tháng trước. Trong khi đó, dường như Sportage và Tucson đang xử lý nguồn hàng một cách hiệu quả hơn.
Điều này phản ánh rõ qua các con số. Sau 6 tháng đầu năm bị bó buộc đầu vào, Tucson chỉ bán được 3.939 xe, kém xa CX-5 (7.797 xe). Nhiều nhân viên kinh doanh phải đề nghị khách hàng bỏ cọc đã ký, vì không thể đảm bảo thời điểm giao xe. Tuy nhiên, gần đây tình hình đã trở nên khả quan, thậm chí một số đại lý thương hiệu Hàn Quốc lúc này đã có sẵn xe giao ngay (tùy phiên bản).
Ngoài các sản phẩm Hàn Quốc và Nhật Bản, phân khúc crossover cỡ C tại Việt Nam hiện còn có mẫu xe Pháp Peugeot 3008 hay gương mặt Trung Quốc MG HS, nhưng đều ghi nhận doanh số không đáng kể. Trong những tháng tới, phân khúc ăn khách này được dự báo sẽ càng trở nên sôi động, khi thị trường có thêm lưạ chọn từ nước Mỹ là Ford Territory – mẫu sản phẩm được mệnh danh là “kế thừa” ánh hào quang mà Ford Escape từng tạo lập được ở Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.