Thêm sự góp mặt của Haval (thuộc tập đoàn Great Wall Motor) ngay những ngày đầu tháng 8, thị trường ô tô du lịch Việt Nam giờ đây đã có rất nhiều lựa chọn đến từ các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc.
Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, số lượng đầu xe du lịch Trung Quốc tại thị trường trong nước đã tăng vọt. Ngày 1-8, Great Wall Motors (GWM) đã chính thức hiện diện tại Việt Nam, với sản phẩm tiên phong là xe hybrid xăng-điện Haval H6 HEV (1,096 tỷ đồng).
Đây là thế hệ thứ ba của H6, với kiểu dáng trẻ trung hơn so với trước đây, và có kích thước 4.683x1.886x1.730 (mm) dựa trên chiều dài cơ sở 2.738mm. Xe di chuyển nhờ sự kết hợp động cơ xăng tăng áp 1.5L với mô tơ điện, cho tổng công suất khoảng 240 mã lực, mô men xoắn cực đại 530Nm, tiêu thụ nhiên liệu khoảng 5,5 lít xăng/100km.
Không chỉ là một lựa chọn hybrid mới, mà quan trọng hơn Haval H6 nối dài danh sách các mẫu xe Trung Quốc có mặt tại Việt Nam. Chỉ trước đó ít ngày, Wuling cũng đưa tới người tiêu dùng mẫu xe điện cỡ nhỏ mini EV. Về phần mình, Chery - hãng ô tô lớn thứ 9 của Trung Quốc - đang ráo riết hoàn thiện nốt những khâu thủ tục cuối cùng, để đưa mẫu crossover trẻ trung 5 chỗ Omoda 5 ra mắt thị trường Việt Nam trong tháng 8 này.
Bên cạnh các tên tuổi mới xuất hiện trong năm 2023, nhiều hãng xe Trung Quốc thực tế đã “nằm vùng” từ lâu tại Việt Nam. Lúc này, MG vẫn “làm mưa làm gió” với các mẫu crossover ngon-bổ-rẻ như ZS hay HS. Thương hiệu thuộc Công ty ô tô quốc tế Thượng Hải (SAIC) đang trong quá trình đổi mới hệ thống quản lý và sẽ tung ra thêm nhiều mẫu xe mới vào cuối năm nay sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu.
Tương tự, sản phẩm của Công ty ô tô quốc tế Bắc Kinh (BAIC) cũng có mặt từ trước tại Việt Nam, và trở nên phổ biến nhờ mẫu xe tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông là Beijing X7, song song với các sản phẩm ít tiếng tăm hơn như BAIC Q7, Beijing U5 Plus... Ngoài ra, người đi đường cũng thường xuyên chứng kiến nhiều dòng xe “Made in China” khác như Zotye Z8 hay Hongqi E-HS9… lăn bánh thông qua các nhà nhập khẩu nhỏ lẻ.
So với các đối thủ trực tiếp đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc, xe Trung Quốc có những lợi thế khó phủ nhận như: Kiểu dáng dễ thay đổi kịp theo thị hiếu để trở nên bắt mắt; số lượng tùy chọn phong phú; và quan trọng hơn cả là giá thành rẻ. Đơn cử, Haval H6 HEV có tới ba màn hình hiển thị cỡ lớn trong xe, kết hợp một danh sách dày đặc các tính năng an toàn chủ động, đủ làm “hoa mắt” bất kỳ người mua xe nào. Thậm chí, chiếc xe này có cả cơ chế đỗ xe tự động ghép dọc/ghép ngang hay lùi xe tự động trên đường tiến, đều là những “món mới” chưa từng có ở các mẫu xe phổ biến khác tại Việt Nam.
Về giá bán, nhiều mẫu xe tuy mang thương hiệu Trung Quốc, nhưng lại nhập khẩu từ Thái Lan, như Haval H6 là một trường hợp. Với tỉ lệ nội địa hoá đủ tốt, hầu hết số này đều được ưu đãi thuế nhập khẩu, đồng nghĩa có thể bán ở Việt Nam với mức giá rất cạnh tranh.
Tuy nhiên, cũng có những bất lợi tác động lên khả năng tiếp cận khách hàng của nhóm xe này, như tâm lý e ngại thương hiệu, khả năng đảm bảo nguồn cung, hay độ sẵn của phụ tùng, độ phủ của hệ thống dịch vụ… Chỉ khi giải quyết được những điểm mấu chốt này, xe Trung Quốc mới có thể “thi đấu” ngang ngửa với các đối thủ khác tại Việt Nam.
Dù vậy, với nỗ lực mạnh mẽ bùng nổ sau nhiều năm "ngủ yên", chắc chắn ô tô du lịch Trung Quốc trong những năm tới sẽ trở thành một “thế lực” đáng gờm trên thị trường ô tô Việt Nam, mang thêm những lựa chọn phong phú hơn tới người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.