Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị và khu công nghiệp đều vượt mức cho phép

Gia Phong| 20/07/2017 20:20

(HNMO) - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo

Hội thảo "ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe và biện pháp dự phòng" chiều 20-7.


PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường cho biết, ô nhiễm tiếng ồn hiện là vấn đề cấp thiết, nhất là tại các đô thị và ngành công nghiệp. Theo Kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA). Còn ở các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định.

Cũng theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải, tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khoẻ lớn thứ 2 sau bụi. Tiếng ồn không tích luỹ trong môi trường như ô nhiễm các chất độc nhưng nó tác động vào con người và có thể để lại hậu quả lâu dài. Ngoài ảnh hưởng đến cơ quan thính giác (như: ù tai, giảm sức nghe), ô nhiễm tiếng ồn còn gây rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy giảm nhận thức ở trẻ em…

Thời gian qua, công ty Rion Nhật Bản đã hỗ trợ, cung cấp cho Việt Nam các thiết bị đo độ ồn, độ rung môi trường, kiểm tra sàng lọc thính lực… Tới đây, đơn vị này sẽ hỗ trợ các trang thiết bị cho Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường tiến tới thành lập Trung tâm kiểm chuẩn đo tiếng ồn tại nước ta.

Đưa ra các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, ThS Hà Lan Phương, Phó Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường) cho rằng, biện pháp giảm thiểu tiếng ồn tại các khu đô thị là cần phải giảm thiểu tiếng ồn từ các phương tiện khi tham gia giao thông - đó là hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường giao thông công cộng; tăng cường chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới, cấm hoạt động các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn; trồng cây xanh 2 bên đường giao thông. Riêng đối với các khu vực cần yên tĩnh như: Bệnh viện, trường học, đường cao tốc qua khu dân cư…, cần xây tường cao chắn ồn. Về lâu dài, việc quy hoạch đô thị, khu công nghiệp phải xem xét đến yêu cầu chống tiếng ồn đối với các khu dân cư, nơi công cộng.

Đề cập đến việc giảm thiểu tiếng ồn tại các khu công nghiệp, PGS.TS Doãn Ngọc Hải cho rằng, hằng năm, số công nhân thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn có nguy cơ bị bệnh điếc nghề nghiệp. Vì vậy, trong sản xuất, phải thay thế, sửa chữa thiết bị cũ để giảm nguồn gây ồn; tăng cường trang thiết bị bảo hộ chống ồn cho người lao động thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị và khu công nghiệp đều vượt mức cho phép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.