Gần đây, không chỉ dịp cuối tuần khi phố đi bộ diễn ra, mà nhiều ngày thường, ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, vẫn xuất hiện nhiều sự kiện sử dụng âm thanh phát ra từ loa công suất lớn.
Một số người cho rằng, kinh tế phát triển thì đây là chuyện bình thường, nhưng không ít người tỏ ra lo lắng. Giữa cái lạnh của trời mùa đông, được thư thái tản bộ bên hồ nhìn ngắm Tháp Rùa, làn nước xanh màu ngọc thì thật thú vị. Tuy nhiên, giờ đây, những tiếng nhạc như trong quán bar, âm thanh chát chúa có thể chen vào phá tan cảm xúc bất cứ lúc nào. Có lúc cảm thấy chất văn hóa, nét thanh lịch của không gian hồ Hoàn Kiếm đã được thay thế bằng màu sắc vẫn thường thấy ở các hội chợ.
Vừa qua, nhiều cử tri đã kiến nghị trong các buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố rằng, thành phố cần quan tâm phát triển không gian hồ Hoàn Kiếm trở thành không gian văn hóa đặc sắc, không mang tính thương mại.
Đây là mong muốn hoàn toàn chính đáng và cần thiết; là sự nhắc nhở rất kịp thời đối với các cơ quan chức năng.
Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước; hồ Hoàn Kiếm phải trở thành trung tâm của trung tâm văn hóa đó. Không gian hồ Hoàn Kiếm phải trở thành địa chỉ mang tính biểu tượng về văn hóa Hà Nội thể hiện rõ nét hào hoa, thanh lịch mà ai đến cũng có thể nhìn ra được, cảm nhận được.
Chắc chắn, đây không phải là việc dễ dàng. Nhưng nếu không quan tâm bắt tay vào thực hiện ngay thì sẽ ngày càng khó khăn. Xây dựng văn hóa là một quá trình lâu dài, đòi hỏi những người làm công tác quản lý phải thực sự có tâm, hiểu biết, yêu Hà Nội và khát khao lan tỏa nét đẹp văn hóa “Dẫu không thanh lịch, cũng người Tràng An” rất đáng tự hào.
Để làm được điều đó, có lẽ việc trước tiên là phải phân cấp mạnh cho địa phương, ở đây là UBND quận Hoàn Kiếm về công tác quản lý đối với không gian văn hóa hồ Hoàn Kiếm, bao gồm tất cả các sự kiện diễn ra, kể cả các sự kiện văn hóa nghệ thuật, thương mại, dịch vụ mà các sở chuyên ngành cấp phép. Đi liền với phân cấp thẩm quyền là trách nhiệm quản lý, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
Trên cơ sở xác định rõ một đầu mối như vậy, cần sớm xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn làm căn cứ, làm “bộ lọc” các sự kiện tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, bảo đảm sự kiện xứng tầm, có tính văn hóa, nghệ thuật. Ở mỗi sự kiện, nội dung, hình thức như giới thiệu, buôn bán mặt hàng gì, thiết kế gian hàng ra sao, biểu diễn loại hình nghệ thuật nào, sử dụng âm thanh đến mức độ nào cũng đều phải tuân thủ theo quy chuẩn ấy.
Về lâu dài, phải hướng đến mục tiêu, mỗi sự kiện diễn ra ở khu vực hồ Hoàn Kiếm đều phải toát lên chất riêng, đó là chất văn hóa Hà Nội: Hào hoa, thanh lịch, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.