Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ô nhiễm môi trường làng nghề: Thiếu giải pháp hữu hiệu

Thu Trang| 08/06/2015 06:35

(HNM) - Mức độ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề đang ngày càng đáng báo động, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nhưng hiện các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu.

Từ thực tế không chỉ một làng nghề Đông Mai còn cho thấy, mức độ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề đang ngày càng đáng báo động, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nhưng hiện các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu.

Mỗi làng nghề một bệnh đặc trưng

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, kết quả xét nghiệm mức độ nhiễm độc chì của người dân làng nghề Đông Mai mới đây cho thấy, trong số 317 trẻ được xét nghiệm có 207 trẻ (chiếm 65,3%) bị nhiễm độc chì trong máu ở mức 10-44,9mcg/dl. Còn tại kết quả giám sát môi trường thôn Đông Mai, nguồn nước kênh rạch có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 1.000 lần. Không khí tại cộng đồng và nơi sản xuất tái chế chì đều có hàm lượng chì cao hơn tiêu chuẩn, trong đó 3/5 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Mặt khác, các mẫu đất lấy tại vườn các hộ gia đình trong thôn cũng có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 10-16 lần. Kéo theo đó là rau, củ, quả trồng trên nền đất nhiễm chì cũng vượt giới hạn cho phép 1,3 lần. 

Nhiều làng nghề gây ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Ảnh: Bảo Lâm


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, báo cáo năm 2014 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hiện cả nước có 5.407 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.578 làng nghề được công nhận. 3 tỉnh có làng nghề được công nhận nhiều nhất là Hà Nội, Thái Bình và Nghệ An. Làng nghề được chia thành 6 nhóm ngành chính. Tùy theo yếu tố nguy cơ ở từng nhóm ngành, người dân ở các làng nghề có vấn đề sức khỏe khác nhau. Cụ thể, với làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ (chiếm 20%), các bệnh phổ biến thường gặp là bệnh ngoài da, viêm niêm mạc như nấm kẽ, nấm móng, dày sừng gan bàn chân, bàn tay, bệnh đường tiêu hóa. Còn tại làng nghề dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da (chiếm 17%), các bệnh chủ yếu tập trung vào đường hô hấp, tiêu hóa, thần kinh và bệnh ngoài da. Tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ (chiếm 40%), người dân dễ mắc bệnh về đường hô hấp, ngoài da. Làng nghề tái chế phế liệu (gồm giấy; kim loại đồng, chì, sắt, kẽm; nhựa... chiếm 4%), các bệnh thường gặp là bệnh về hô hấp, ngoài da, thần kinh, nhiễm độc, đặc biệt tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tương đối cao. Làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác đá (chiếm 5%), các bệnh chủ yếu là bệnh hô hấp, tiêu hóa, phụ khoa và bệnh về mắt, giảm thính lực, xương khớp. Còn lại, các nhóm ngành nghề khác như: Chế tạo nông cụ, mộc gia dụng, đóng thuyền, làm quạt giấy, dây thừng, đan vó, đan lưới làm lưỡi câu..., các bệnh thường gặp về hô hấp, xương khớp.

Trong những nhóm ngành nghề gây nguy hại nghiêm trọng nhất đến sức khỏe, theo bà Nguyễn Liên Hương, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), hiện có 85 làng nghề cơ khí, tái chế kim loại tại 24 tỉnh, thành phố có nguy cơ phơi nhiễm kim loại nặng độc hại, trong đó có làng nghề Đông Mai. So với nhiều làng quê khác, những làng quê này thuộc loại giàu có hơn làng thuần nông, thế nhưng môi trường, sức khỏe người dân thì đáng báo động.

Cần một cuộc "đại phẫu"

Hơn 30 năm nay, thôn Đông Mai đã được biết đến là làng nghề tái chế chì từ pin và bình ắc quy hỏng được thu gom từ các địa phương trong cả nước. Phó Chủ tịch huyện Văn Lâm Nguyễn Văn Thủy cho biết, Đông Mai có 277 người trực tiếp tham gia tái chế chì, trong đó có 13 hộ dân tái chế chì ngay trong khu dân cư. Mặc dù địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt nhưng những hộ này vẫn chưa thể di dời cơ sở tái chế chì ra khỏi làng.

Không phải đến bây giờ mà từ năm 2007-2008, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã tiến hành nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường tại xã Chỉ Đạo... Đáng lo ngại là năm 2014, kết quả xét nghiệm sàng lọc 109 trẻ ở làng Đông Mai cho thấy, 97% nhiễm chì trong máu, trong đó có 33 trẻ phải tẩy độc chì khẩn cấp do lượng chì trong máu cao gấp 6-7 lần cho phép. Nhiều trẻ dù gia đình không làm nghề thu gom, tái chế chì nhưng cũng có hàm lượng chì trong máu rất cao. Từ đó đến nay, nhiều giải pháp đã được đưa ra để cứu người dân, nhất là trẻ em khỏi những hậu quả do nhiễm độc chì ở làng nghề Đông Mai nhưng rồi "đâu vẫn vào đấy".

Dẫn chứng về tác hại do ô nhiễm chì gây ra, bác sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tại một gia đình dù đã thay toàn bộ đất nền nhà bị nhiễm chì bằng nền đất mới nhưng đứa con sinh sau thời điểm đó vẫn có hàm lượng chì trong máu trên 60 mcg/dl. Điều này minh chứng, chì đã ngấm vào nguồn nước, không khí, thực phẩm… Khi trẻ chơi đùa, hít thở, ăn uống… trong môi trường nhiễm chì thì cũng bị nhiễm chì. "Với hàm lượng nhiễm chì này ảnh hưởng rất lớn tới trí tuệ của trẻ. Thực tế cho thấy, nhiễm chì ở mức càng cao thì chỉ số IQ của trẻ càng thấp, cứ tăng 1 mcg/dl thì trẻ sẽ mất 5 điểm về chỉ số IQ. Nếu không ngăn được nguồn ô nhiễm thì việc điều trị thải độc chì cho trẻ mà ngành y tế đang triển khai sẽ chẳng khác nào "đánh bùn sang ao"", bác sĩ Phạm Duệ nói.

Quả thực, để giải được "bài toán" ô nhiễm môi trường làng nghề không phải dễ. Thế nhưng, với "tốc độ" giải quyết như hiện tại thì những hệ lụy mà các làng nghề gây ra đối với sức khỏe con người sẽ khó đo đếm được. Các làng nghề ở Việt Nam, đặc biệt là những làng nghề vốn nhiều "tai tiếng" về ô nhiễm đang cần một cuộc "đại phẫu" thực sự, đồng bộ và toàn diện để hướng tới sự phát triển bền vững...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm môi trường làng nghề: Thiếu giải pháp hữu hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.