(HNMO) - Kết quả nghiên cứu mới của hãng lưu trữ dữ liệu quy mô lớn BlackBlaze (Mỹ) cho thấy, bất chấp các phát kiến công nghệ, hầu hết các dòng ổ cứng đĩa từ (HDD) hiện đại vẫn có tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 3 năm.
Thực hiện trong quý I-2023, nghiên cứu đánh giá 17.155 ổ cứng các loại thuộc 72 nhãn hiệu khác nhau. Kết quả cho thấy, tuổi thọ trung bình của các ổ là 22.360 giờ, tức 932 ngày, tương đương khoảng 2 năm 6 tháng. Trong đó, có 35 loại ổ có tuổi thọ dài hơn so với mức trung bình, nhưng cũng chỉ đạt 2 năm 7 tháng.
Nghiên cứu của BlackBlaze tương đồng với thống kê của hãng phục hồi dữ liệu Secure Data Recovery, vốn ghi nhận tuổi thọ của ổ cứng truyền thống vào khoảng 2 năm 10 tháng. Điều này đồng nghĩa rằng, người dùng cần lưu ý sao lưu hoặc thay thế ổ cứng sau 2 năm vận hành liên tục để bảo đảm dữ liệu lưu trữ được an toàn.
Đáng chú ý, số liệu cũng cho thấy, ổ nhỏ với dung lượng 1 đến 4 terabyte có tuổi thọ cao hơn so với các dòng dung lượng từ 12 terabyte trở lên. Trong quý đầu năm nay, Western Digital đang có tỉ lệ hư hại theo năm thấp nhất, vào khoảng 0,31%.
Trong khi đó, Seagate có rủi ro cao hơn nhiều, 2,28% - tức cứ 100 ổ thì có khoảng 3 chiếc hư hại. Về phần mình, ổ cứng Toshiba có tỉ lệ hỏng theo năm là 0,93% trong khi HGST là 1,11%.
Nghiên cứu mới cho thấy mặc dù có ưu thế về dung lượng, độ bền của ổ cứng truyền thống vẫn kém hơn so với các loại ổ lưu trữ thể rắn (SSD) đời mới. Trong quý đầu năm 2023, tỉ lệ hỏng hóc trung bình của ổ SSD được BlackBlaze ghi nhận chỉ ở mức 0,89%. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của ổ SSD hiện chưa thể ghi nhận chính xác, vì hầu hết các ổ sản xuất từ năm 2018 tới nay đều đang vận hành ổn định nếu không gặp các rủi ro về sản xuất hay tác động bên ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.