Với uy tín, năng lực của mình, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đang chiếm lĩnh khoảng 70% thị phần sách giáo khoa của cả nước. Tham gia biên soạn, cung ứng sách giáo khoa không chỉ là hoạt động kinh doanh của đơn vị, mà còn thực hiện trách nhiệm xã hội khi thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa.
Để hiểu rõ hơn về những nỗ lực của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
- Công việc làm sách giáo khoa có tính chất rất đặc thù. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nhiệm vụ này?
- Sách giáo khoa luôn thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội bởi đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác giáo dục - một trong các lĩnh vực liên quan đến hầu hết mọi gia đình. Sách giáo khoa còn là dạng ấn phẩm đặc biệt, đòi hỏi tính chính xác cao nên công đoạn làm sách phải hết sức bài bản, chặt chẽ và cần tính chuyên nghiệp.
Tính đặc thù của việc làm sách giáo khoa thể hiện ở nhiều điểm, như được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định và ban hành sử dụng trong toàn quốc…
- Để có một cuốn sách giáo khoa hoàn chỉnh từ lúc biên soạn đến khi được phê duyệt cần trải qua rất nhiều công đoạn với yêu cầu khắt khe. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về quy trình này?
- Sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam từ khi biên soạn đến khi được phê duyệt cho phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục phải trải qua nhiều công đoạn gồm các bước cơ bản như: Xây dựng đội ngũ tác giả, biên tập, thiết kế; nghiên cứu chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng đề cương (đề cương tổng thể các lớp, đề cương từng lớp); biên soạn, thiết kế các bài mẫu cho các dạng bài học điển hình; thực nghiệm các bài mẫu; hoàn thiện các bài mẫu; biên soạn đại trà; thiết kế, chế bản, minh họa, vẽ bìa; thẩm định nội bộ; trình thẩm định quốc gia; xin ý kiến rộng rãi; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định ban hành sử dụng.
Sách giáo khoa trước đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, dạy thí điểm, tập huấn giáo viên, còn nhà xuất bản chỉ thực hiện từ khâu biên tập, xuất bản, in và phát hành. Hiện nay, các đơn vị xuất bản tổ chức biên soạn phải thực hiện toàn bộ các khâu, phải chịu trách nhiệm gần như hầu hết các chi phí liên quan. Trước đây, với chủ trương một chương trình một bộ sách giáo khoa thì không phải thực hiện công đoạn giới thiệu sách. Khi thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, các nhà xuất bản phải tổ chức giới thiệu sách tới giáo viên, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc bằng nhiều phương thức khác nhau. Việc cung ứng sách cũng phức tạp hơn do các địa phương, nhà trường không lựa chọn sách giáo khoa theo bộ mà lựa chọn theo môn học…
- Trước thực tế đây đó xuất hiện các ý kiến liên quan đến nội dung sách giáo khoa, Nhà Xuất bản xử lý vấn đề này như thế nào?
- Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng một quy trình biên soạn đầy đủ, chặt chẽ, hướng tới mục tiêu có những bộ sách giáo khoa bảo đảm chất lượng về nội dung và hình thức; tuân thủ đúng chương trình và bảo đảm mục tiêu phát huy tiềm năng, sự chủ động, sáng tạo của học sinh.
Khi nhận được các ý kiến liên quan đến nội dung sách, chúng tôi đều khẩn trương kiểm tra, rà soát; trao đổi với các tác giả, chuyên gia để có phản hồi kịp thời và xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo được điều chỉnh, nếu có sai sót.
- Như ông từng chia sẻ, làm sách giáo khoa không chỉ là hoạt động kinh doanh của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, mà còn là thực hiện trách nhiệm xã hội. Ông có thể chia sẻ những nỗ lực của đơn vị để thực hiện trách nhiệm này trong thời gian qua?
- Là đơn vị thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm cung ứng đủ sách giáo khoa cho học sinh cả nước, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam còn phải có trách nhiệm với xã hội. Do đó, trong suốt quá trình xây dựng, đổi mới và phát triển, chúng tôi luôn đặt hoạt động xã hội, từ thiện đồng hành với hoạt động kinh doanh.
Hằng năm, chúng tôi luôn dành khoản kinh phí đáng kể để tham gia chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa; tặng sách giáo khoa cho con thương binh, liệt sĩ; tặng sách và học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước; tặng sách cho thư viện các trường học; ủng hộ giáo viên và học sinh vùng bị thiên tai…
Tiếp nối hoạt động của các năm trước, năm học 2024-2025, chúng tôi thực hiện chương trình Tủ sách giáo khoa dùng chung, tổng trị giá khoảng 27 tỷ đồng. Chương trình đã tặng khoảng 1.000 tủ sách giáo khoa cho các trường/điểm trường trung học cơ sở ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…; tặng bổ sung hàng chục nghìn bộ sách giáo khoa vào các tủ sách giáo khoa dùng chung cấp tiểu học (đã được đơn vị thực hiện năm 2023).
Thông qua nhiều kênh, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã hỗ trợ giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3; đồng thời hỗ trợ trực tiếp 835 triệu đồng cùng hơn 4.000 bộ sách giáo khoa tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn...
Để thực hiện được các chương trình trên, chúng tôi đã nỗ lực tiết giảm chi phí, cân đối kết quả sản xuất, kinh doanh để vừa bảo đảm hiệu quả hoạt động của đơn vị, vừa thực hiện trách nhiệm với xã hội.
Không chỉ đóng góp bằng tiền mặt, sách giáo dục và các hiện vật, nhiều năm qua, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam còn trực tiếp tham gia các hoạt động từ thiện tại các trường học ở vùng khó khăn, nơi miền núi, vùng sâu, vùng xa… Những đóng góp thiết thực của đơn vị hằng năm đã góp phần giúp hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường; hỗ trợ nhiều trường học có thêm nguồn tài liệu, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập, góp phần phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.