(HNM) - Quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc Nga và Mỹ vẫn chưa ghi nhận bất kỳ chuyển biến tích cực nào khi cuộc gặp song phương mới đây của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và người đồng cấp Thomas Shanon tại thủ đô Washington (Mỹ) kết thúc mà không đạt được thỏa thuận chung như các bên kỳ vọng.
Một khu ngoại giao đoàn của Nga tại bang New York (Mỹ). |
Căng thẳng ngoại giao Nga - Mỹ bắt đầu nhen nhóm từ tháng 12-2016, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh đóng cửa hai khu ngoại giao đoàn của Nga tại bang New York và Maryland, đồng thời trục xuất 35 quan chức ngoại giao Nga với cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống của nước này. Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ cũng công bố một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào hai cơ quan tình báo chủ lực của Nga là Cơ quan Tình báo quân đội (GRU) và Cơ quan An ninh liên bang (FSB). Mỹ coi những biện pháp trên là một phản ứng toàn diện đối với việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, cũng như các hành động mà Washington gọi là sách nhiễu nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ ở Nga. Tại thời điểm đó, dù liên tục phủ nhận những cáo buộc từ phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào với lý do chờ đợi các động thái của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu năm 2017.
Theo nguồn tin từ Điện Kremlin, vấn đề này đã được Tổng thống Nga V.Putin đề cập khá thẳng thắn và rõ ràng với Tổng thống Mỹ D.Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại TP Hamburg (Đức). Từ cái bắt tay nồng ấm của hai nhà lãnh đạo cùng cam kết cải thiện quan hệ song phương và giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, giới quan sát đã kỳ vọng về một thời kỳ tươi sáng hơn giữa hai cường quốc, trong đó có vấn đề ngoại giao.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ D.Trump, vốn nổi tiếng với những tuyên bố khó đoán định, đã khẳng định trên trang Twitter cá nhân rằng không hề bàn bạc hay trao đổi gì với nhà lãnh đạo Nga về các lệnh trừng phạt của Mỹ cho tới khi vấn đề Ukraine và Syria được giải quyết. Đầu tháng 7, Phó Trợ lý Tổng thống Mỹ Sebastian Gorka cho biết Washington ra điều kiện có thể trao trả cho Nga hai khu ngoại giao đoàn bị tịch thu nếu Mỹ thấy được những hành động được coi là “đáng tin” của Mátxcơva, chẳng hạn như thỏa thuận ngừng bắn tại Syria.
Tuy nhiên, Mátxcơva lại có quan điểm hoàn toàn khác về vấn đề này. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, hành động của Mỹ là vi phạm luật pháp quốc tế, và những tài sản ngoại giao phải được trao trả cho Nga một cách vô điều kiện. Căng thẳng càng được đẩy lên khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, việc Washington đặt điều kiện để hoàn lại tài sản ngoại giao của Nga là hành động “cướp ngày”, và nước này sẽ có những động thái đáp trả tương tự theo nguyên tắc “có đi có lại” nếu lệnh cấm trên không được dỡ bỏ.
Kết thúc cuộc gặp gỡ song phương vốn được các bên kỳ vọng tìm ra hướng đi cho những bất đồng bấy lâu nay, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, các cuộc thảo luận đã đi chệch hướng và gặp nhiều khó khăn, không chỉ về vấn đề ngoại giao, đúng như những gì phía Nga đã dự đoán. Ngay sau khi cuộc gặp tại Washington kết thúc mà không thể đưa ra thỏa thuận về việc trao trả tài sản ngoại giao của Nga, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ có quyền áp đặt các biện pháp trả đũa.
Xu hướng gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa hai nước càng trở nên rõ rệt khi giới phân tích nhận định, Tổng thống Mỹ D.Trump rất khó đưa ra những quyết định mang tính nhượng bộ tại thời điểm này, trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng bị đồn đoán là đã hưởng lợi từ sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tại Mỹ và đang chịu sức ép cần đưa ra những chính sách cứng rắn hơn với Nga từ nội bộ chính quyền Mỹ.
Các chuyên gia lo ngại, một khi Nga áp dụng các biện pháp trả đũa, quan hệ Nga - Mỹ sẽ càng diễn biến tiêu cực và khó lòng cải thiện. Vì thế, "nút thắt" mâu thuẫn khó gỡ về ngoại giao giữa hai nước cần được giải quyết theo chiều hướng tích cực và xây dựng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.