Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Nuôi" sự trưởng thành và tự tin!

Mai Hoa| 04/08/2018 06:56

(HNM) - Hơn cả chuyện thắng - thua, Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup năm 2018 là cơ hội quý để các nữ tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh trước thềm ASIAD 18 - 2018...

Được thi đấu cọ xát tại Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2018, các nữ tuyển thủ thêm tự tin trước thềm ASIAD 18.


- Ông đánh giá thế nào về cơ hội của bóng chuyền Việt Nam ở kỳ giải này?

- Diễn ra từ ngày 4 đến 11-8 tại Hà Tĩnh, giải đấu thực sự là cơ hội cọ xát quý giá cho bóng chuyền Việt Nam khi các vận động viên được tranh tài cùng nhiều đội quốc tế mạnh như Đại học Hokkaido (Nhật Bản), các câu lạc bộ Altay (Kazakhstan), Vân Nam (Trung Quốc) - chung bảng A với đội tuyển nữ quốc gia; và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Đại học Đài Bắc (Trung Quốc), câu lạc bộ Tứ Xuyên (Trung Quốc) - chung bảng B với tuyển trẻ Việt Nam. Với đội tuyển nữ quốc gia, đây chính là dịp để thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt lắp ráp đội hình, phối hợp nhuần nhuyễn và ăn ý hơn, hoàn thành tốt mục tiêu xây dựng lối chơi tập thể trong bối cảnh nhiều vận động viên hàng đầu giải nghệ. Còn với tuyển trẻ Việt Nam, việc được thi đấu với nhiều đối thủ mạnh có phong cách chơi đa dạng, chắc chắn rất bổ ích trong hành trình dài sắp tới của các nữ cầu thủ trẻ, nhắm đích Huy chương vàng SEA Games năm 2021 khi Việt Nam làm chủ nhà.

- Với lợi thế sân nhà và trình độ không quá chênh lệch, 2 đội chủ nhà có thể đặt mục tiêu cao hơn không, thưa ông?

- VTV tổ chức giải này với mục tiêu cao nhất là sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam, chứ không nhằm quảng bá thương hiệu, chào mời quảng cáo. Chúng tôi luôn đề nghị Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam mời những đội có trình độ ngang bằng, hoặc mạnh hơn một chút so với bóng chuyền Việt Nam để các nữ tuyển thủ của chúng ta được tranh tài thực sự, qua đó nuôi dưỡng sự tự tin và bản lĩnh khi thi đấu ở các đấu trường quốc tế. Nhìn lại bước khởi đầu từ 15 năm trước có thể thấy rõ nhất tiêu chí này. Khi ấy, bóng chuyền Việt Nam chỉ có giải vô địch quốc gia và giải A1, đội tuyển quốc gia rất ít cơ hội được thi đấu cọ xát, dẫn đến tình trạng khi tập rất hay, nhưng thi đấu nước ngoài rất dễ bị khớp, lúng túng. Bởi vậy, lãnh đạo VTV đã quyết định đầu tư tổ chức giải này - kỳ đầu tiên là năm 2004, và được duy trì liên tục từ đó đến nay...

- Trong bối cảnh bóng chuyền Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao thế hệ, những giải đấu quốc tế như VTV Cup càng trở nên giá trị, ông nghĩ sao về nhận định này?

- Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: Với một chuyến tập huấn nước ngoài, chi phí không nhỏ nhưng có khi đội tuyển chỉ được thi đấu 1-2 trận. Nay các nữ tuyển thủ không mất thời gian di chuyển lại được chơi nhiều trận với nhiều đối thủ có lối đánh khác nhau, cơ hội ấy thực sự giá trị. Vì vậy, từ 2017, VTV đã đề nghị và được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam chấp thuận cử thêm đội trẻ quốc gia tham gia để không lãng phí cơ hội cọ xát quốc tế ngay trên sân nhà này. Năm nay, Ban Tổ chức cũng quyết định thay đổi thể thức thi đấu nhằm tạo điều kiện cho các đội thi đấu nhiều trận hơn.

- Qua 15 kỳ tổ chức, hiện Giải đã thuộc hệ thống giải chính thức hằng năm của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á. Vừa tổ chức, vừa sản xuất tín hiệu truyền hình, "gánh" trách nhiệm 15 năm qua hẳn không hề nhẹ, thưa ông?

- VTV đầu tư rất lớn về cả tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực cho giải đấu này, điều lớn nhất chúng tôi thu được chính là tín hiệu tích cực từ sự phát triển chung của bóng chuyền Việt Nam qua giải đấu, góp phần kích thích địa phương đầu tư mạnh hơn cho đào tạo trẻ. Thêm nữa, chúng tôi luôn có được sự ủng hộ nhiệt thành của khán giả ở mọi kỳ giải đã qua. Năm nay, phía tỉnh Hà Tĩnh dự kiến 10.000 khán giả sẽ đến nhà thi đấu, nhưng sức chứa bên trong chỉ chừng 3.000 khán giả, nên Ban Tổ chức sẽ gắn các màn hình lớn phía bên ngoài nhà thi đấu để phục vụ khán giả.

- Gắn bó với bóng chuyền Việt Nam nhiều năm, theo ông vì sao bóng chuyền Việt Nam chưa thể có được vị thế xứng đáng ở đấu trường khu vực và châu lục?

- Trong khu vực, chúng ta thường xếp thứ hai sau Thái Lan vốn phát triển bóng chuyền theo hướng chuyên nghiệp từ lâu, nhưng năm 2017, chúng ta bất ngờ thua cả Indonesia để rồi phải xếp thứ ba trong khu vực. Ở đấu trường châu lục, đội nữ Việt Nam từng xếp thứ 5, nhưng cũng không dám phấn đấu chỉ tiêu gì ở ASIAD 18-2018. Trăn trở về những điều đó, các nhà quản lý đã có sự thay đổi khi tập hợp xây dựng đội tuyển, phải tạo điều kiện cho những người thực sự đam mê, tài năng, thay vì những vận động viên đã hết tham vọng. Hiện nay, cả Indonesia và Philippines đều đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong đầu tư, nếu muốn duy trì vị trí thứ hai tại SEA Games 2019 và nhắm đích Huy chương vàng SEA Games 2021, không cách gì khác hơn là phải kiên trì đầu tư cho các vận động viên trẻ nhiều tham vọng một cách bài bản và có chiều sâu.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Toàn bộ 24 trận đấu của giải được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV6 HD và VTV5 HD. Ban Tổ chức sẽ trao giải Nhất 10.000 USD, Nhì 7.000 USD, Ba 5.000 USD, Tư 2.000 USD, giải Phong cách, giải Khuyến khích (1.000 USD/giải) và một số giải cá nhân.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Nuôi" sự trưởng thành và tự tin!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.