(HNMCT) - Việc đọc sách với trẻ lâu nay không chỉ được khuyến khích vào dịp hè. Đây là sinh hoạt bổ ích và cần thiết với thiếu nhi suốt cả năm học. Tuy nhiên, “mùa hè, mùa lớn”, đặc biệt trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay, là dịp xới xáo câu chuyện xây dựng hệ sinh thái đọc hiệu quả từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng để bồi đắp sự đọc bền sâu, qua đó cổ vũ xã hội học tập, nuôi mầm nhân cách cho thiếu nhi.
Sách có còn là lựa chọn hàng đầu của trẻ?
“Hệ sinh thái đọc” có thể hiểu là một mạng lưới các mô hình được xây dựng để khuyến khích trẻ tham gia vào việc đọc. Việc đọc ở đây phải được hiểu là đọc một cách có chất lượng, tức được định hướng, khiến trẻ coi việc đọc sách không phải là bắt buộc mà là ham thích, từ đó đạt đến giá trị giáo dục, giải trí đúng đắn, phù hợp. Điều này không dễ, nhất là trong bối cảnh các phương tiện giải trí, mạng internet khiến cho sách không còn là lựa chọn hàng đầu của nhiều trẻ em.
Theo nghiên cứu “Văn hóa đọc của trẻ em Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” của nhóm tác giả PGS.TS Lã Thị Bắc Lý, ThS. Nguyễn Thị Thu Nga, ThS. Lê Thị Minh Nguyệt tại Hội thảo quốc tế "Đóng góp của khoa học xã hội - nhân văn trong phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế", 2017: Tỷ lệ trẻ em thích đọc sách hiện nay chỉ chiếm 18,3%, trong khi tỷ lệ trẻ thích xem tivi, chơi game hoặc các trò chơi khác lần lượt là 27,9%, 32,2% và 19,1%.
Đến nay, sau nhiều năm, việc đọc của trẻ đã có những thay đổi tích cực, dễ thấy không ít em nhỏ say mê sách và đọc sách thường xuyên, tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa hoạt động ý nghĩa này thì cần đến sự cộng hưởng từ các mô hình trong một hệ sinh thái đọc bền vững.
Thư viện có thể coi là mô hình kinh điển nhất trong hệ sinh thái đọc ở bất cứ nền văn hóa nào. Với tính chất là những trung tâm cộng đồng, nơi thực hiện các chương trình công cộng và hỗ trợ mọi người học tập suốt đời, để bắt kịp xu thế phát triển của xã hội, các thư viện hiện nay đang hướng đến trở thành nơi tiếp cận thông tin và kiến thức không giới hạn qua nhiều hình thức và nguồn khác nhau. Gần đây, mạng lưới thư viện cả công lập và tư nhân đã được mở rộng về không gian lẫn hình thức, có thể kể đến: Thư viện mở (với nguồn sách xã hội hóa), thư viện lưu động, sách hóa nông thôn...
Ở khu vực đô thị, mô hình thư viện phức hợp đang ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn, điển hình là Thư viện Văn hóa thiếu nhi tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Mô hình này được tổ chức dưới dạng không gian mở, kết hợp việc đọc sách với các hoạt đông vui chơi giải trí và trải nghiệm văn hóa (như thực hành âm nhạc, xem phim, phát triển tài năng...) dành cho thiếu nhi. Ngoài ra, ở phạm vi hẹp hơn, đã xuất hiện mô hình thư viện chung cư, mang lại cho trẻ em thêm một không gian sinh hoạt văn hóa gần gũi, thuận tiện.
Câu lạc bộ đọc sách hoặc các hội quán sách, nhóm đọc sách cũng là một trong những mắt xích quan trọng của hệ sinh thái đọc. Có thể coi đây là mô hình tiếp ứng cho thư viện với các hoạt động linh hoạt, độc đáo giúp thúc đẩy gia tăng lượt đọc, tương tác với sách ở trẻ em. Một trong những mô hình được phụ huynh khu vực thành thị quan tâm hiện nay là Câu lạc bộ (CLB) Đọc sách cùng con do Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh sáng lập. Một số hoạt động của CLB Đọc sách cùng con như viết cảm nhận về sách, giao lưu, tọa đàm bàn tròn, tổ chức các trại hè trải nghiệm xa thành phố vừa giúp lan tỏa niềm vui từ việc đọc sách đến các bạn nhỏ, vừa là cầu nối để cha mẹ hiểu và gắn kết hơn với con cái.
Bên cạnh các hình thức nói trên, hệ sinh thái đọc còn được xây dựng thông qua các không gian đọc hấp dẫn trong trường học như thư viện vườn trường, thư viện lớp, thư viện xanh, tủ sách di động, tủ sách dùng chung...
Ở phạm vi xã hội, dễ thấy nhiều tủ sách dòng họ được phát triển và tôn vinh; các giải thưởng sách, hội chợ sách được tổ chức thường niên; các sáng kiến thúc đẩy việc đọc ngày càng đa dạng, phong phú, linh hoạt đã phản ánh sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cộng đồng về văn hóa đọc với trẻ.
Em Hồ Khánh Thư, lớp 5H, Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội):
“Nhà con có rất nhiều sách, mẹ đã mua sẵn rồi, con chỉ việc đọc thôi. Con đọc cả truyện dài, truyện tranh, cả sách văn học, lịch sử... Có nhiều cuốn con rất yêu thích như “Đất rừng phương Nam”, “Tottochan - cô bé bên cửa sổ”, “Sử ta chuyện xưa kể lại”, “Cây bàng không rụng lá”... Cuốn sách pop-up “Hà Nội ngàn năm ký ức” của NXB Kim Đồng với những hình dựng 3D cũng rất hay. Khi viết bài văn về hồ Gươm con đã tham khảo nhiều chuyện hay ở cuốn sách này. Đọc sách khiến con vui hơn, biết nhiều kiến thức. Mùa hè, nếu không có dịch Covid-19 thì con thích ra nhà sách với bạn vì ở đây có chỗ đọc sách sạch sẽ, điều hòa mát và nhiều sách để chọn”.
Kết nối để nuôi dưỡng niềm yêu sách ở trẻ
Có thể nói, chưa bao giờ như lúc này, trẻ em có nhiều cơ hội đọc sách đến vậy. Không chỉ đọc, trẻ còn được quan tâm giáo dục tình yêu sách từ nhỏ, đó cũng chính là sự bắt đầu cho việc xây dựng hệ sinh thái đọc.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ việc xây dựng hệ sinh thái đọc bắt đầu từ gia đình ở khu vực thành thị có điều kiện thuận lợi hơn khu vực nông thôn, miền núi. Bên cạnh đó, ngay các gia đình ở thành phố cũng vẫn có sự chênh lệch trong nhận thức và sự quan tâm đến việc đọc của trẻ. Thiết nghĩ, trong bối cảnh đó, hệ sinh thái đọc cho trẻ phải gánh thêm phần bù lấp sự thiếu khuyết khi nhiều gia đình có thể còn bỏ ngỏ hoặc lúng túng với vai trò nuôi dưỡng việc đọc cho trẻ. Đó là, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của mô hình thư viện sách lưu động. Các nhà xuất bản (NXB), các đơn vị liên kết xuất bản, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng là một nhân tố quan trọng giúp kết nối và làm đầy cho hệ sinh thái này với các hoạt động như xây dựng tủ sách các vùng ngoại thành, nói chuyện về sách tại các trường học, chia sẻ kinh nghiệm đọc sách trong gia đình...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, người có nhiều hoạt động khuyến đọc thời gian gần đây cũng thẳng thắn chia sẻ: “Thư viện trong thời hiện đại phải chủ động khuyến đọc, mời gọi độc giả tới thay vì thụ động ngồi chờ. Trong các trường học, nếu có sách hay, có thủ thư hướng dẫn nhiệt tình và đúng cách thì chắc chắn học sinh sẽ tới đọc sách thường xuyên. Hoạt động hiệu quả của những thư viện tư nhân, tủ sách gia đình trên thực tế đã chứng minh cho điều đó”.
Tiến sĩ Phạm Phương Chi (Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi, Đại học Hamburg - Đức) cũng nêu rõ: “Giữa đọc sách truyền thống và việc “chơi” với các thiết bị công nghệ hiện đại, phần lớn trẻ sẽ chọn hình thức thứ hai... Nếu không có sự định hướng một cách khéo léo từ cha mẹ, trẻ sẽ ngày càng rời xa những cuốn sách mang đậm triết lý nhân văn, gắn với cuộc sống bình dị hằng ngày”.
Năm 2016, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch tổ chức “Hội sách thiếu nhi 1-6-2016” với chủ đề “Hè vui - sách hay” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mở đầu cho mô hình hội sách thiếu nhi dịp hè. Kể từ đó, hằng năm, tùy vào điều kiện cụ thể, các hội sách thiếu nhi ở Hà Nội diễn ra đa dạng, phong phú hơn do chính các NXB, đối tác liên kết tổ chức, tạo một sân chơi văn hóa lành mạnh, đóng góp trực tiếp cho hệ sinh thái đọc của thiếu nhi.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng cũng chia sẻ: "5 năm qua, NXB Kim Đồng có chương trình Đọc xuyên mùa hè. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, mùa hè này, NXB sẽ có chương trình Mỗi cuốn sách là một chuyến phiêu lưu với nhiều tư liệu đọc miễn phí cho trẻ trên trang web chính thức của NXB".
Như vậy, để thấy, khi mỗi người, mỗi ngành, mỗi nhà... cùng chung tay chăm lo việc đọc cho trẻ thì chính trang sách cũng là bạn đồng hành cùng chúng ta trong việc cổ vũ xã hội học tập, nuôi mầm nhân cách cho thiếu nhi.
Và như thế, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4 hằng năm sẽ hiện hữu không chỉ trong tháng đọc sách, trước mỗi dịp hè mà thực sự hiện hữu trong ý thức của những người quan tâm sâu sắc đến môi trường đọc, học tập suốt đời cho thế hệ tương lai.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương:
“Trẻ em không hoặc chưa say mê đọc sách là trách nhiệm của người lớn. Người lớn không thể lấy lý do “trẻ bây giờ không đọc” mà từ chối tư duy và hành động tích cực để tạo ra môi trường đọc sách cho trẻ. Muốn trẻ đọc sách, môi trường đọc sách đó phải được xây dựng trong một sự liên kết chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau giữa gia đình, hệ thống thư viện công, trường học và xã hội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trẻ phải học tập ở nhà thì đây là dịp tốt để cha mẹ chú ý đến việc đọc sách của con mình”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.