Xuất phát từ ý tưởng tạo ra một sản phẩm công nghệ giáo dục dành riêng cho trẻ mầm non Việt Nam, chú robot Sunbot - robot Mặt trời đã ra đời. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại với những nét riêng của văn hóa truyền thống đã mang đến cho các em nền tảng tri thức khoa học vững chắc và những trải nghiệm giáo dục độc đáo.
Ấn tượng robot Mặt trời
Ngày 19-8 vừa qua, cái tên Sunbot lại được vinh danh trong sự kiện công bố Sách trắng và Bảng xếp hạng các sản phẩm công nghệ giáo dục (Edtech) Việt Nam 2023, diễn ra tại Hà Nội.
Chú robot Mặt trời cũng đã quen thuộc với trẻ mầm non cả nước qua cuộc thi “Đấu trường Sunbot”, sân chơi trí tuệ mầm non đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam ứng dụng giáo dục Steam và công nghệ Robotics. Cuộc thi được triển khai trên toàn quốc từ cấp trường tới cấp quốc gia từ năm 2019 với mục tiêu giúp trẻ mầm non thể hiện khả năng tư duy, trau dồi kiến thức, kỹ năng hội nhập trong thời đại mới, đặc biệt là kỹ năng giải quyết vấn đề. Năm 2023, cuộc thi thu hút hơn 250 trường, cơ sở giáo dục mầm non trên cả nước tham gia với chủ đề “Thủ lĩnh hành tinh xanh”.
Ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch Edtech Agency, đồng Trưởng Làng công nghệ giáo dục Techfest Việt Nam đánh giá: “Mô hình Steam Lab với chương trình Sunbot được thẩm định đầu tiên tại Việt Nam đã hỗ trợ cho nhiều trường phát triển vượt bậc. Với thế mạnh sản phẩm giúp phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy làm việc nhóm, tư duy tổng thể... (và chỉ số SQ), tôi kỳ vọng Sunbot tạo ra thế hệ công dân toàn cầu mới, hướng tới một Việt Nam hùng mạnh”. Được biết, Sunbot là sản phẩm robot công nghệ giáo dục đầu tiên và duy nhất hiện nay được người Việt Nam sáng chế dành riêng cho trẻ mầm non. Chú robot Sunbot là giáo cụ học tập và là biểu tượng cho các lớp học thông minh Sunbot. Chương trình Steam cùng Sunbot là chương trình giáo dục mầm non Steam và Robotics duy nhất ở Việt Nam được thẩm định và chứng nhận bởi hai cơ quan chuyên môn uy tín Việt Nam, bao gồm: Trung tâm Giáo dục Mầm non - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo; Viện Nghiên cứu và Phát triển tiềm năng con người IPD.
Công nghệ đi liền với văn hóa truyền thống
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, việc cho trẻ tiếp xúc từ sớm với môi trường giáo dục số là xu hướng tất yếu. Hiện nay, các phương pháp giáo dục sớm đang được các phụ huynh rất coi trọng, tuy nhiên cũng nhiều người lo lắng liệu chúng ta có “nhồi nhét” trẻ từ quá sớm?
Là người tâm huyết với các dự án giáo dục, đã khởi xướng và thực hiện thành công nhiều dự án dành cho trẻ em, chị Nguyễn Tường Vân - đồng sáng lập của Kiro Sunbot - cho biết. “Khi xây dựng mô hình lớp học thông minh, đội ngũ sáng lập chúng tôi đã tập trung vào các giải pháp toàn diện giúp nhà trường tháo gỡ những khúc mắc đó. Chúng tôi luôn đề cao mục tiêu phát triển tư duy kỹ thuật số phù hợp với trẻ em Việt Nam từ 3 - 5 tuổi bằng việc sáng tạo không gian huấn luyện cho trẻ lập trình tư duy điều khiển robot nhằm giải quyết những vấn đề gần gũi trong cuộc sống hằng ngày của trẻ”. Thông qua hành trình của chú robot Sunbot di chuyển trên sa bàn và vượt qua các chướng ngại vật mô phỏng, trẻ được học về mọi điều xung quanh một cách đầy hứng thú. Từ những khám phá của bản thân và đội nhóm, trẻ sẽ được rèn luyện để chủ động tiếp cận với không gian địa văn hóa quanh mình, đúc rút những bài học nhỏ nhưng thiết thực và lan tỏa nó tới những người xung quanh. “Khi hoạt động với Sunbot, trẻ có cơ hội phát triển toàn diện các kỹ năng, nhất là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý và thể hiện cảm xúc, biết đồng cảm, quan tâm đến người khác, thực hành tư duy giải quyết vấn đề, tư duy phản biện trong quá trình tương tác kỹ thuật số. Đây là điều mà xã hội đang rất quan tâm bởi thực tế, việc tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử đang khiến nhiều trẻ mất dần kỹ năng giao tiếp trực tiếp, kỹ năng kết nối cảm xúc với môi trường xung quanh” - chị Nguyễn Tường Vân chia sẻ thêm.
Việc đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào các giải pháp công nghệ giáo dục “made in Vietnam” vừa là xu hướng, vừa là đòi hỏi tất yếu để đảm bảo hiệu quả giáo dục mang tính đặc thù và toàn diện. Các chủ đề, chủ điểm học tập luôn xoay quanh cuộc sống, con người và văn hóa Việt. Với triết lý “Chơi thông minh, học vui vẻ”, các tiết học Sunbot được thiết kế lồng ghép các hoạt động trải nghiệm, các trò chơi, các hình thức sinh hoạt nghệ thuật lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống và đương đại của Việt Nam. Bên cạnh việc trang bị các khối tri thức khoa học công nghệ cần thiết cho trẻ, chương trình cũng được thiết kế với mục tiêu giúp trẻ tiếp cận và bồi đắp tư duy tích cực về không gian văn hóa dân tộc thông qua hành trình của robot; tư duy vận dụng sáng tạo với các dự án khoa học tái chế hướng đến môi trường xanh, sạch; tinh thần độc lập, tự cường... Qua chương trình, mỗi trẻ được hướng trở thành một “chiến binh” thông minh với đầy đủ năng lực và phẩm chất của công dân toàn cầu như tư duy phản biện, tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm... Mỗi “chiến binh” đó sẽ là sứ giả nhí lan tỏa, kết nối các thế hệ trong gia đình, xây đắp mối liên hệ tương hỗ giữa phụ huynh và nhà trường trong sự nghiệp giáo dục trẻ thông qua hình thức triển khai các bài tập, dự án thực hành mini tại các không gian văn hóa trong và ngoài trường học.
PGS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh đánh giá: “Là một hình thái giáo dục tiến bộ được đưa từ thế giới vào Việt Nam nhưng Steam cùng Sunbot được xây dựng khoa học và hoàn toàn phù hợp với trẻ em Việt Nam nhờ có đội ngũ nghiên cứu phát triển và cố vấn chuyên môn sâu về mầm non và giáo dục sớm”.
Nhân rộng mô hình
Với phương thức kết hợp với nhà trường để xây dựng các lớp học thông minh tại các trường, cơ sở giáo dục mầm non, đến nay, trải qua 2 năm nghiên cứu và 5 năm phát triển, Sunbot đã xây dựng được hơn 250 lớp học thông minh, mang đến cơ hội học tập và trải nghiệm cho hơn 44.000 trẻ mầm non khắp cả nước.
Năm 2022, Sunbot được vinh danh trong Top 10 sản phẩm chất lượng cao ASEAN tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - ASEAN. Giai đoạn 2021 - 2023, Sunbot liên tục được vinh danh trong Sách trắng Edtech Việt Nam, nằm trong Top sản phẩm Công nghệ giáo dục nổi bật ở lĩnh vực giáo dục mầm non. Từ năm học 2021 - 2022, Kiro - nhà sáng chế Sunbot, được chỉ định là đơn vị duy nhất đại diện cho ngành mầm non tham gia xây dựng và phát triển đề tài Trường học thông minh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Lớp học thông minh Sunbot triển khai thực nghiệm tại nhiều trường mầm non trên địa bàn và đang nhận được phản hồi tích cực để triển khai thực tiễn trên diện rộng.
Theo đánh giá của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Sunbot đã đạt được một số mục tiêu khi đưa vào giáo dục như: 100% số trẻ học tập hứng thú, 95% hình thành tư duy giải quyết vấn đề, 85% có khả năng quản lý đội nhóm, hướng dẫn các bạn lập bản đồ và phân công công việc; 70% điều khiển robot đi đúng mục tiêu trong lần đầu tiên, 90% đam mê và yêu thích sau khi được tiếp xúc.
“Chúng tôi hy vọng có cơ hội nhân rộng hơn nữa mô hình này, nhất là có được sự quan tâm, bảo trợ của các cơ quan chức năng với các sản phẩm công nghệ giáo dục từ các startup trong nước để khuyến khích việc đầu tư chất xám cho lĩnh vực mới mẻ này, để chúng ta thực sự có được những sản phẩm giáo dục của người Việt, cho trẻ em Việt Nam” - chị Nguyễn Tường Vân bày tỏ hy vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.