Theo dõi Báo Hànộimới trên

Robot dạng người thông minh “made in Việt Nam”

Thu Hằng| 08/05/2023 07:38

(HNM) - Tiến sĩ Ngô Mạnh Tiến và cộng sự tại Viện Vật lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa nghiên cứu, chế tạo thành công robot dạng người thông minh IVASTBot. Sáng chế này mở ra những hướng nghiên cứu, ứng dụng robot trong giao tiếp, phục vụ con người.

Đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo robot dạng người thông minh IVASTBot ứng dụng trong giao tiếp, phục vụ con người” được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xếp loại xuất sắc. 

Tiến sĩ Ngô Mạnh Tiến cho biết, để làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo IVASTBot, nhóm nghiên cứu đã triển khai đồng bộ và kết hợp đa ngành công nghệ, như: Cơ khí chính xác, điện tử, công nghệ nhúng, quang điện tử và xử lý ảnh, công nghệ thông tin. Nhóm cũng kết hợp thêm một số công nghệ mới: Trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), công nghệ robot tự hành, công nghệ in 3D...

Đặc biệt, nhóm đã nghiên cứu thuật toán mới và thực thi lập trình nhúng thuật toán xây dựng bản đồ và định vị chính xác cho Robot tự hành trên nền Hệ điều hành cho robot ROS (Robot Operating System), thuật toán điều hướng và di chuyển thông minh cho Robot tự hành trên nền Hệ điều hành cho robot ROS. Các thuật toán này được nhúng trên thiết bị xử lý hiệu năng cao chuyên dụng của NVIDIA Jetson TX2 đã giúp robot di chuyển tự hành và thông minh.

Bên cạnh đó còn có các thuật toán và phần mềm thực thi các tác vụ cơ bản khác của IVASTBot: Thuật toán ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận dạng cử chỉ hành vi người giao tiếp, nhận dạng khuôn mặt người giao tiếp.

IVASTBot cao 160cm, nặng 50kg, chân đế 50cm x 50cm. Tay robot có 3 DOF và khớp bàn tay; thân robot có 2 DOF; chân đế sử dụng 4 động cơ DC Servo và 4 bánh Omni di chuyển đa hướng. Đầu robot chuyển động 2 trục, gắn camera phục vụ nhận dạng ảnh người giao tiếp. Cụm thân robot và hình dáng sử dụng khung inox, nhôm hợp kim chịu lực, in 3D nhựa. Trước ngực robot trang bị màn hình TouchScreen giúp giao tiếp với người sử dụng. Robot sử dụng ắc quy và pin lithium, thời gian hoạt động tối đa 4 giờ liên tục.

Theo Tiến sĩ Ngô Mạnh Tiến, IVASTBot có các tính năng tự hành, tránh vật cản, có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Việt với các câu đơn giản và trả lời các câu hỏi phức tạp hơn khi có kết nối Server API của Google; có thể cung cấp các thông tin cho người dùng trong cơ sở dữ liệu sẵn có, nhận dạng và lưu trữ dữ liệu người giao tiếp và có một số hành động giao tiếp phù hợp ngữ cảnh.

Đề tài VAST01.01/20-21: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo robot dạng người thông minh IVASTBot ứng dụng trong giao tiếp, phục vụ con người” do Tiến sĩ Ngô Mạnh Tiến làm chủ nhiệm được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xếp loại xuất sắc.

Robot dạng người thông minh này có thể ứng dụng vào vị trí lễ tân, đón khách và giao tiếp hướng dẫn khách tại các cơ quan, văn phòng, phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn, hay thay thế nhân viên hỗ trợ y tế, hướng dẫn khách du lịch, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng tại các điểm giao dịch ngân hàng, sân bay, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn...

Giáo sư Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá cao nỗ lực và các kết quả của nhóm nghiên cứu. Việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công mẫu robot dạng người thông minh IVASTBot ứng dụng trong giao tiếp, phục vụ con người không chỉ có tiềm năng ứng dụng, khả năng thương mại hóa cao, mà còn khẳng định năng lực nghiên cứu, chế tạo tổng hợp đa ngành công nghệ cao, đáp ứng và làm chủ công nghệ lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, phát triển các nghiên cứu robot trí tuệ nhân tạo hướng tới xã hội số của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Khi robot dạng người muốn trở nên thông minh, linh hoạt hơn thì các yếu tố cần thiết là “mắt”, “tai” và “bộ não”. Hiện nay, việc kết hợp được trí tuệ nhân tạo vào với mắt máy (machine vision) và nhận dạng âm thanh (speech recognition) là một hướng nghiên cứu tiềm năng.

Tiến sĩ Ngô Mạnh Tiến chia sẻ, thời gian tới, nhóm thực hiện đề tài mong muốn được nghiên cứu chuyên sâu, nâng cấp thêm một số tính năng giúp sản phẩm ngày càng thân thiện hơn, như: Nhận dạng giọng nói tiếng Việt phong phú hơn, nhận dạng mặt người, cử chỉ hành vi của người giao tiếp, cử động tay và phản ứng của khuôn mặt phù hợp ngữ cảnh...; cũng như cải tiến về phần cơ khí, hình dáng robot để có thể thân thiện hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu tác nghiệp ngày càng cao trong thực tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Robot dạng người thông minh “made in Việt Nam”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.