Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

Hoàng Hà| 13/06/2021 06:09

(HNM) - Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của ngành Xuất bản, lĩnh vực sách cho thiếu nhi cũng có chuyển biến tích cực, ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thể hiện. Đặc biệt, dịp hè năm nay đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu đọc sách tại nhà của thiếu nhi tăng, đã tạo thêm động lực để các tác giả, nhà xuất bản tích cực cho ra mắt hàng loạt cuốn sách mới, ghi dấu ấn trong thế giới sách dành cho thiếu nhi.

Điểm đáng chú ý, nhiều tác phẩm ra mắt thời gian gần đây được một số nhà xuất bản đầu tư công phu nên đẹp về cách trình bày, màu sắc; phong phú về nội dung, mang đến nhiều bài học trải nghiệm mới cho các em nhỏ. Chưa kể, nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của Việt Nam khi tái bản cũng được “khoác áo mới” với hình thức trang bìa và minh họa bắt mắt hơn, ngày càng hấp dẫn các bạn đọc nhí.

Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, dù thị trường sách thiếu nhi hiện nay rất đa dạng về thể loại, hình thức hấp dẫn nhưng vẫn thiếu vắng những cuốn có chất lượng, mang hơi thở cuộc sống hiện đại, phù hợp với tâm sinh lý, ước mong của thiếu nhi nên việc thu hút các em đến gần với sách chưa được như mong muốn. Trong khi đó, lực lượng tác giả trẻ viết sách cho thiếu nhi tại Việt Nam hiện chưa nhiều; hoạt động truyền thông, giới thiệu tác phẩm mới chưa được các nhà xuất bản, đơn vị phát hành chú trọng đúng mức khiến nhiều độc giả nhỏ tuổi ít có cơ hội tiếp cận…

Để thúc đẩy thị trường sách thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu giải trí tại nhà của độc giả nhỏ tuổi trong dịp hè này và những dịp hè sau, đặc biệt để tạo được những mùa sách chất lượng rất cần sự nỗ lực của các tác giả, nhà xuất bản, đơn vị phát hành, các bậc phụ huynh và chính các em nhỏ.

Theo đó, các tác giả cần nắm bắt tâm lý lứa tuổi các em, cần đặt địa vị mình vào những độc giả nhí đang chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của công nghệ hiện đại, của các mạng xã hội bắt nhịp với trào lưu của thế giới, từ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các em. Mỗi câu chuyện trong các trang sách cần chuyển tải sự hồn nhiên, hài hước, dí dỏm ý nghĩa, mang hơi thở cuộc sống.

Với các nhà xuất bản, bên cạnh xuất bản sách truyền thống, cần chú trọng đến việc kết hợp giữa sách in và công nghệ tạo thành sách tương tác, để trẻ nhỏ vừa đọc, vừa được thỏa sức sáng tạo. Cùng với đó, nên nghiên cứu tâm lý, nhu cầu của độc giả nhí, xu thế sách thiếu nhi của thế giới để tạo nên những sản phẩm ngày càng hấp dẫn, hợp thị hiếu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu sách mới, sách hay bằng hình thức trực tuyến giúp độc giả nhí, phụ huynh ở mọi miền đất nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận với những tác phẩm mới phát hành.

Mặt khác, để huy động được ngày càng đông tác giả trẻ tham gia viết sách thiếu nhi, các bộ, ngành liên quan, Hội Nhà văn Việt Nam… cần thường xuyên tổ chức các giải thưởng, cuộc vận động, chuyến đi thực tế, qua đó tìm kiếm, nuôi dưỡng tài năng đam mê sáng tác văn học cho thiếu nhi.

Về phía các bậc cha mẹ, bản thân cũng cần coi sách là bạn, từ đó khuyến khích, tạo dựng cho con trẻ niềm vui và thói quen đọc sách, nhất là vào dịp hè; định hướng cho con em mình đọc những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi, giới tính.

Mỗi cuốn sách được ví như một người thầy đặc biệt. Những cuốn sách hay không chỉ thu hút được độc giả nhỏ tuổi, tạo dựng thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ mà còn góp phần tạo nên những mùa sách thiếu nhi ngày càng phong phú, cuốn hút.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.