Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nuôi dưỡng nguồn ''tài nguyên'' quý giá

Thiện Mỹ| 27/02/2023 06:50

(HNM) - Trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là thành phần cốt lõi trong lao động sáng tạo và là lực lượng đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước yêu cầu của thời kỳ mới, hơn lúc nào hết, việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ ngày càng trở thành nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước. Trong đó, cái “gốc” chính bắt đầu từ việc “Tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế theo hướng tạo động lực để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát triển năng lực, tạo cơ hội, điều kiện cần thiết để cống hiến” như chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ diễn ra ngày 16-2 vừa qua.

Trước hết phải khẳng định, đội ngũ trí thức là nguồn “tài nguyên” quý giá của dân tộc, cần được nuôi dưỡng, giữ gìn và tạo điều kiện để không ngừng phát triển. Những năm qua, vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ ngày càng được nâng cao và không ngừng củng cố, tăng cả về lượng và chất. Trong công cuộc cách mạng của đất nước, đội ngũ này ngày càng thể hiện rõ nét dấu ấn trên tất cả các mặt, lĩnh vực của đời sống. Để phát huy hơn nữa thế mạnh này, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ..., nhằm tạo cơ sở pháp lý và là động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức...

Cụ thể và đồng bộ hóa, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố cũng đã rà soát, ban hành nhiều văn bản nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý, có chính sách thu hút trí thức trẻ thực sự có năng lực về công tác tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác thi đua - khen thưởng cũng được chú trọng nhằm khuyến khích, tôn vinh trí thức có cống hiến cho đất nước...

Dù hệ thống văn bản pháp luật để phát triển đội ngũ trí thức đã khá đầy đủ, nhưng các quy định hiện hành vẫn chậm được cụ thể hóa trong mục tiêu xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức; một số văn bản còn chồng chéo, tính khả thi thấp nên khó triển khai trong thực tiễn; nhiều chính sách hiện hành chưa đủ sức hấp dẫn lực lượng trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nên tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn chậm được khắc phục... Đặc biệt, nhiều nội dung không theo kịp yêu cầu phát triển mới của đất nước, tạo độ trễ về mặt thể chế, không tạo được động lực để đội ngũ trí thức đam mê cống hiến.

Với vai trò là nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh nội sinh của mỗi quốc gia, việc hoàn thiện thể chế để tạo động lực cho đội ngũ trí thức phát triển là yêu cầu cấp thiết. Theo đó, chính đội ngũ trí thức cần chủ động nghiên cứu, đề xuất với cơ quan chức năng để đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, tạo chỗ dựa cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ có thêm sức bật trong hoạt động chuyên môn. Từ thực tiễn hoạt động, có kiến nghị giải pháp cụ thể để tập hợp được sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức. Song, ở chiều ngược lại, lực lượng này cũng cần tăng trách nhiệm, có những đóng góp xứng tầm cho công cuộc đổi mới của đất nước; tăng tính chủ động trong hoạt động và khắc phục hiện tượng suy thoái tư tưởng chính trị trong một bộ phận trí thức hiện nay...

Như một cú hích với sức mạnh riêng, việc hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi sẽ là một bảo đảm chắc chắn để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đầu tư “chất xám” cống hiến cho nước nhà. Do đó, rất cần sự rà soát, sàng lọc những quy định cũ đã lỗi thời, cập nhật xu thế mới để có chính sách hợp lý, phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng công tác thi đua - khen thưởng, tôn vinh những trí thức giỏi, có nhiều cống hiến. Đồng thời, đổi mới hệ thống giải thưởng khoa học và công nghệ, các danh hiệu tôn vinh trí thức một cách thực chất và thiết thực.

Để tạo được nguồn lực đầu tư cho đội ngũ trí thức, cả hệ thống chính trị cần có cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trước sự phát triển của đất nước. Các cấp lãnh đạo, nhất là người đứng đầu nên định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc để lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề quan trọng của địa phương, đơn vị. Tạo môi trường làm việc thuận lợi, khuyến khích trí thức lao động sáng tạo, phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động mà họ đã bỏ ra...

Xây dựng đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vững mạnh chính là tạo nguồn lực phát triển bền vững cho đất nước, góp phần nâng tầm dân tộc trên trường quốc tế. Đây là nhiệm vụ cần được triển khai khẩn trương hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để nuôi dưỡng và phát huy sức mạnh từ nguồn “tài nguyên” quý giá này...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi dưỡng nguồn ''tài nguyên'' quý giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.