Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước Mỹ khủng hoảng sữa công thức

Thùy Dương| 26/05/2022 06:49

(HNM) - Tình trạng khan hiếm sữa công thức đang làm cho nhiều gia đình Mỹ lao đao, buộc Quốc hội và chính quyền Tổng thống Joe Biden phải thực hiện các hành động khẩn cấp. Một trong những chương trình góp phần giải quyết khó khăn trên là việc chính quyền đã huy động máy bay quân sự chuyên chở sữa bột nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, Hạ viện Mỹ ngày 18-5 đã thông qua hai dự luật, trong đó cho phép đẩy nhanh việc kiểm định sữa công thức sản xuất tại nước ngoài và bảo đảm không để xảy ra tình trạng thiếu hụt loại sản phẩm này.

Sữa công thức cho trẻ em đã bị thiếu hụt tại nhiều cửa hàng trên khắp nước Mỹ trong vài tháng qua.

Sữa công thức dành cho trẻ em đang là mặt hàng khan hiếm trên khắp nước Mỹ, đe dọa sức khỏe của trẻ sơ sinh và những người phụ thuộc vào sữa bột. Lâu nay, Mỹ sản xuất khoảng 98% lượng sữa bột được tiêu thụ trong nước, nhưng tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu nhân công do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nước này bị thiếu sữa công thức. Xu hướng này ngày càng gia tăng kể từ tháng 2 vừa qua, khi hãng Abbott thông báo quyết định tự nguyện thu hồi lô sữa bột có nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa sau 2 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong, đồng thời đóng cửa nhà máy sản xuất sữa ở Michigan. Kết quả điều tra sau đó cho thấy, sữa công thức không phải là nguyên nhân gây tử vong cho trẻ. Việc nhà máy ngừng hoạt động kéo dài kết hợp với các vấn đề chung của chuỗi cung ứng đối với thành phần công thức và bao bì đã khiến kho sữa công thức cạn kiệt nhanh chóng.

Thống kê cho thấy, cứ 4 gia đình tại Mỹ thì chỉ có một gia đình nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ tới 6 tháng tuổi; việc nuôi trẻ sơ sinh phụ thuộc khá nhiều vào nguồn sữa công thức. Tiến sĩ Christopher Duggan, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng tại Bệnh viện Trẻ em Boston cho biết, mặt hàng sữa công thức vốn đã bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch, nay việc đóng cửa nhà máy ở Michigan “thực sự khiến mọi thứ trở nên trầm trọng hơn”. Cũng theo thống kê đến ngày 15-5, tỷ lệ hết hàng đối với sữa bột trẻ em trên toàn nước Mỹ là 45%. Một số vùng, như khu vực đô thị San Antonio, đang chứng kiến hơn một nửa nguồn cung thông thường đã hết. Tin tức về sự thiếu hụt đã khiến một số chuỗi cửa hàng hạn chế số lượng sữa công thức trong mỗi lần khách hàng mua.

Trong bối cảnh trên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để giảm bớt áp lực đối với nhiều chuỗi cung ứng liên quan đến sản xuất sữa công thức. Ngoài ra, ông Joe Biden còn khởi động một chương trình mang tên “Operation Fly Formula” sử dụng máy bay quân sự của Mỹ để vận chuyển sữa bột nhập khẩu từ nước ngoài.

Các chuyên gia nhận định, đây là đợt thiếu sữa công thức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở xứ Cờ hoa. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, kể cả các giải pháp khẩn cấp. Mới đây, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phải nới lỏng các quy định về nhập khẩu sữa bột để đối phó với tình trạng khan hiếm sữa công thức đang diễn ra. Hạ viện Mỹ ngày 18-5 đã thông qua hai dự luật nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt sữa công thức. Dự luật cho phép cấp quỹ khẩn cấp trị giá 28 tỷ USD cho FDA để đẩy nhanh việc kiểm định sữa công thức sản xuất tại nước ngoài và bảo đảm không để xảy ra tình trạng thiếu hụt loại sản phẩm này. FDA cũng đã đạt được thỏa thuận với Abbott nhằm nối lại sản xuất, song sẽ phải mất nhiều tuần sản phẩm này mới xuất hiện lại trên kệ hàng.     

Tuy nhiên, nhiều chỉ trích đã nhắm vào FDA, cho rằng cơ quan này đã xử lý vấn đề quá chậm. Đây cũng là ví dụ mới nhất về cách xử lý thất bại của hệ thống y tế Mỹ khiến những người có tình trạng y tế phức tạp và những người bị thiệt thòi về kinh tế luôn bị đẩy vào tình thế khó khăn. Trong khi đó, một số nghị sĩ đang kêu gọi hành động cấp liên bang để giải quyết tình trạng độc quyền của một số công ty trên thị trường sữa công thức khi cho rằng điều này đang làm “tổn thương các gia đình Mỹ và không thể bỏ qua được nữa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Mỹ khủng hoảng sữa công thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.