(HNM) - Sự kiện Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai gửi đơn kiến nghị điều tra chống bán phá giá thịt gà vào Việt Nam thực sự là thông tin… rất đáng quan tâm.
Lý do khiến hai hiệp hội này bức xúc là giá bán gà đùi Mỹ tại Việt Nam thấp tới mức bất thường. Thậm chí, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai còn cử người sang Mỹ tìm hiểu tại các siêu thị và được biết, giá bán tại Mỹ cao gấp 4-5 lần giá bán tại Việt Nam. Tất nhiên, đây mới chỉ là sự so sánh trực quan cụ thể, chưa phải là căn cứ đánh giá chính xác và phải đợi kiểm tra, xác minh một cách bài bản hơn. Như vậy, diễn biến sự việc sẽ không đơn giản, thậm chí có thể phức tạp, căng thẳng như các vụ thủy sản nước ta bị kiện bán phá giá tại Mỹ. Chưa biết diễn biến, kết quả thế nào, nhưng sự việc này đặt ra một số vấn đề đáng suy nghĩ.
Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nước ta đã tham gia ký một số hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương, song phương như: ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Hàn Quốc; Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu; Việt Nam - Hàn Quốc; Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chile…, mở ra khu vực mậu dịch tự do. Theo đánh giá của giới chuyên gia, nhiều sản phẩm trong nước, đặc biệt là những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của nước ta như nông sản sẽ có ưu thế.
Tuy nhiên, với những diễn biến trên thị trường thời gian qua có thể nhận thấy, một số loại nông sản, thực phẩm sản xuất trong nước đang bị lép vế. Điển hình là việc không ít bà nội trợ ở thành thị đang có xu hướng chuyển sang dùng thịt bò nhập khẩu bởi giá rẻ hơn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hơn. Và cũng không thể loại trừ khả năng có thể sản phẩm thịt gà nhập khẩu từ Mỹ có giá thành rẻ hơn sản xuất trong nước. Đơn giản bởi ngành chăn nuôi nước ta dù đã có khá nhiều thay đổi, đưa nhiều công nghệ mới vào sản xuất, nhưng vẫn manh mún, lạc hậu so với nhiều quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển. Điều đó làm giảm khả năng cạnh tranh của thực phẩm sản xuất trong nước. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn lúng túng chưa tìm ra biện pháp giải quyết và có định hướng, hỗ trợ hữu hiệu cho nông dân. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại bởi phần lớn dân số nước ta đang sống ở nông thôn, sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Hội nhập cũng đồng nghĩa với việc tham gia "sân chơi" quốc tế và phải tuân thủ những quy định, "luật chơi" quốc tế. Người Việt vốn trọng tình nghĩa nhưng khi hội nhập, không thể tư duy theo kiểu "một bồ cái lý không bằng một tý cái tình" hay "phép vua thua lệ làng"… Khi có đơn kiến nghị điều tra chống bán phá giá thịt gà Mỹ, hai hiệp hội trên cũng đã lường trước phần nào khó khăn và nhờ các cơ quan chức năng hỗ trợ nhưng thủ tục không đơn giản. Hội viên các hiệp hội sẽ không đủ khả năng lo mọi việc, từ điều tra đến chứng minh thiệt hại… Điều đó đồng nghĩa với việc không có sự trợ giúp tích cực của các cơ quan chức năng, sự gắn kết trong chính hiệp hội, trong ngành sản xuất thì sẽ rất khó trong khởi kiện chứ chưa nói tới thắng kiện.
Thẳng thắn đánh giá, hệ thống pháp luật và năng lực quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực trực tiếp liên quan tới hội nhập quốc tế của nước ta hiện còn không ít bất cập. Việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách, quy định theo những chuẩn mực quản trị hiện đại, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế là hết sức cấp thiết. Nếu không, sẽ rất khó có thể bảo vệ sản xuất trong nước trước những "cơn sóng" quốc tế. Được biết, sau 10 năm gia nhập WTO, mới chỉ có ngành thép khởi kiện chống bán phá giá thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.