(HNM) - Một địa điểm gần thành phố Homs (Syria) hứng chịu đợt oanh tạc đầu tiên của không lực Nga sau khi Thượng viện nước này phê chuẩn kế hoạch không kích Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 30-9. Bộ Quốc phòng Nga cho biết: Không quân Nga đã phá hủy một sở chỉ huy của IS và các trung tâm
Các cột khói bốc lên sau khi không quân Nga trút đạn xuống các sở chỉ huy IS tại Syria. |
Theo các nhà phân tích, với phần lớn các nước trên thế giới, Syria như một thảm kịch chưa có hồi kết. Thế nhưng, với ông chủ điện Kremlin Vladimir Putin rất có thể là một "cơ hội vàng". Vì cuộc khủng hoảng tại Syria - nơi Nga có nhiều ảnh hưởng dường như đang giúp xứ Bạch dương thoát khỏi tình trạng bị cô lập trước phương Tây. Quan trọng hơn, chiến dịch mang tên Syria còn giúp Nga trở lại Trung Đông và khẳng định vị thế cũng như tầm ảnh hưởng đối với nền an ninh toàn cầu.
Cuối những năm 1970, Liên Xô sa lầy tại Afghanistan, mất dần tầm ảnh hưởng tại Trung Đông và trong nhiều năm qua, tiếng nói của Nga chỉ ở "bên lề" khi Mỹ và phương Tây tấn công Iraq (năm 2003) và can thiệp vào Libya (năm 2011). Syria là đồng minh cuối cùng của Nga ở Trung Đông - nơi duy nhất nước này còn đặt căn cứ quân sự. Và điều này lý giải vì sao Tổng thống V.Putin quyết đưa các phương tiện quân sự vào tham chiến.
Trong bối cảnh bị phương Tây tẩy chay, nền kinh tế chìm sâu trong suy thoái vì khủng hoảng Ukraine, Tổng thống V.Putin hiểu hơn ai hết việc phải cho thế giới thấy rằng, không thể thiếu nước Nga trên vũ đài chính trị quốc tế hoặc ít nhất cũng làm thay đổi cung cách "nói chuyện" giữa Nga và phần còn lại của thế giới. Syria đã mang lại cho V.Putin cơ hội để làm điều đó. Không thể phủ nhận, Nga đang là "đối trọng chiến lược" ở Trung Đông và có thể nắm giữ chìa khóa mở cánh cửa hòa bình ở Syria. Giới quan sát đánh giá Tổng thống V.Putin đã rất khôn ngoan khi vừa lên tiếng bảo vệ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, vừa khẳng định quyết tâm xây dựng "mối quan hệ đặc biệt" với Israel. Và mới đây, Nga cùng Iran, Syria và Iraq đã thỏa thuận hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo chống IS. Điều đó có nghĩa là ảnh hưởng Nga ở Trung Đông càng mở rộng. Các quan chức Mỹ nhận định, sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Nga tại Syria khẳng định ngay cả khi Tổng thống B.Assad phải ra đi thì người kế nhiệm sẽ không thể nắm quyền nếu không có sự ủng hộ của điện Kremlin.
Trong khi đó, đã tròn một năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố thành lập liên minh quốc tế nhằm tiêu diệt IS, nhưng những phi vụ oanh tạc và hàng tỷ USD rót vào đó dường như không mang lại bao nhiêu hiệu quả. Vì thế, trước những động thái của Nga, thái độ của phương Tây với Tổng thống B.Assad đã thay đổi. Washington không coi việc Tổng thống Syria phải ra đi là điều kiện tiên quyết để nối lại thương lượng. Nước Pháp nổi tiếng với sự cứng rắn dành cho ông B.Assad cũng đã phải chọn lập trường mềm dẻo hơn. Đức, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra những tuyên bố cùng chiều hướng đó. Quan trọng hơn, bước đi của Tổng thống V.Putin ở Syria đang buộc phương Tây phải cân nhắc lại cuộc trừng phạt Nga để đổi lấy sự hợp tác rất cần thiết của Mátxcơva với cuộc khủng hoảng Syria. Mới đây, Mỹ đã chấp nhận nối lại các kênh liên lạc quân sự với Nga, bị cắt đứt sau khi Mátxcơva sáp nhập Crimea hồi năm ngoái.
Với các bước đi bất ngờ và đầy tính chủ động, Tổng thống V.Putin đang trực tiếp cạnh tranh với hai mục tiêu của Tổng thống Mỹ Barack Obama là tìm hòa bình cho Syria và chống IS. Dù cuộc xung đột ở Syria có chấm dứt hay không thì dư luận quốc tế đều không thể không ngả mũ thán phục những "nước cờ" chiến lược của ông chủ điện Kremlin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.