Sáng 21-4, núi lửa Agung trên hòn đảo du lịch Bali của Indonesia đã hoạt động trở lại, phun cột tro bụi cao tới 2.000 mét.
Theo Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia của Indonesia, núi lửa Agung "thức giấc" lúc 8h23 (giờ địa phương), tạo ra màn tro bụi bao trùm các khu vực gồm Karang Asem, Klungkung và Bangli.
Hiện chưa có báo cáo về thương vong cũng như thiệt hại vật chất do núi lửa phun trào. Hoạt động hàng không tại sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, trạng thái cảnh báo núi lửa vẫn được duy trì ở cấp độ 2, trong khi người dân và khách du lịch được khuyến cáo không nên tới gần khu vực trong bán kính 4 km tính từ miệng núi lửa. Hàng nghìn mặt nạ đã được phát miễn phí cho các cộng đồng dân cư do lo ngại tro bụi núi lửa có thể ảnh hưởng tới hô hấp.
Ngày 4-4 vừa qua, các dữ liệu địa chấn cũng đã ghi nhận một vụ phun trào của núi lửa Agung trong 3 phút 37 giây. Trước đó, tháng 6-2018, núi lửa Agung "thức giấc" đã khiến khoảng 300 chuyến bay bị hủy, với hơn 27.000 hành khách bị ảnh hưởng. Cuối tháng 11-2018, núi lửa Agung lại hoạt động mạnh, phun tro bụi cao tới 2.500 m khiến sân bay quốc tế trên đảo Bali phải đóng cửa. Sự cố đã gây thiệt hại ước tính lên tới trên 660 triệu USD cho du lịch của hòn đảo thiên đường.
Indonesia là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Indonesia đã hứng chịu tổng cộng 11.577 trận động đất làm nhiều người chết trong khi nhiều người khác lâm vào tình cảnh mất nhà cửa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.