Cho đến giờ, khó có ai lý giải được vì sao thời Pháp thuộc, Trường Viễn Đông Âm nhạc chỉ mở được vài năm rồi đóng cửa, chứ không kéo dài như Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Phương Uyên - sinh viên Nhạc viện HN - đoạt giải nhất Cuộc thi hát thính phòng - nhạc kịch HN lần thứ III (HN 2004). |
Cho đến giờ, khó có ai lý giải được vì sao thời Pháp thuộc, Trường Viễn Đông Âm nhạc chỉ mở được vài năm rồi đóng cửa, chứ không kéo dài như Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Có người nói rằng do người Pháp cho rằng dân ta không có năng khiếu âm nhạc nên không mở được trường âm nhạc. Nếu quả thế thì họ đã quá quan liêu và quá nhầm. Với quyết định này, việc đào tạo âm nhạc chính quy và bài bản ở VN chỉ bắt đầu được thực thi nghiêm túc cách đây nửa thế kỷ, với sự ra đời của Trường Âm nhạc VN (nay là Nhạc viện HN).
Từ những ngày đầu ở trụ sở 32 Nguyễn Thái Học và làng Láng nhỏ bé, chỉ vài năm sau, Trường Âm nhạc VN đã có một cơ ngơi khang trang ở Ô Chợ Dừa và "an cư lạc nghiệp" ở đó cho tới hôm nay. Trường Âm nhạc VN có đủ những bộ môn chính cần phải có của một trung tâm đào tạo âm nhạc tầm cỡ quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, sau 20 năm hướng nghiệp, trường chính thức trở thành Nhạc viện Hà Nội (Conservatoire Hanoi) với 4 cấp bậc đào tạo: Sơ cấp, trung cấp, đại học và cao học.
Nhạc viện Hà Nội vừa qua đứng ra dàn dựng và trình diễn thành công vở nhạc kịch "Cây sáo thần" của W.A.Mozart có lẽ là sự kiện âm nhạc lớn nhất của Nhạc viện Hà Nội trong nửa thế kỷ qua. NSƯT Mạnh Chung - thuộc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN - đã trầm trồ rằng: "Nếu đến thưởng thức "Cây sáo thần" mà nhắm mắt lại thì có cảm giác như đang ở một nhà hát của Châu Âu". Nửa thế kỷ qua, từ cái nôi Nhạc viện Hà Nội đã lớn vượt bao tài năng âm nhạc lấp lánh trên vòm trời âm nhạc thế giới như các danh cầm Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh, Bùi Công Duy...
Cũng từ đây, âm nhạc truyền thống VN đến với thế giới và đã được công nhận là di sản văn hoá như nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên và sắp tới là nghệ thuật hát ca trù... Cũng từ đây, một dàn nhạc giao hưởng bề thế được hình thành tạo nên một đỉnh trong tam giác giao hưởng cùng Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia VN và Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện TPHCM mà hầu hết các nghệ sĩ cũng đều tốt nghiệp từ Nhạc viện Hà Nội. Những giọng ca vàng cũng từ đây rực rỡ như Quốc Hương, Trung Kiên, Quý Dương, Trần Hiếu, Quang Thọ, Lê Dung... rồi đến Mỹ Linh, Khánh Linh... hôm nay.
Đi qua nửa thế kỷ, tới tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" trong sự nghiệp tạo lập thế giới âm thanh cho âm nhạc đương đại nước nhà, đội ngũ những người "trồng người làm âm nhạc" đã đảm đương gánh vác trên vai mình sứ mạng không nhỏ qua 4 thế hệ giám đốc từ nhạc sĩ Tạ Phước, Nguyễn Văn Thương, Trọng Bằng và giờ đang đương nhiệm là tiến sĩ - Phó GS Trần Thu Hà - người con của nữ danh cầm Thái Thị Liên và chị của danh cầm Đặng Thái Sơn. Nửa thế kỷ mà trong đó có một thập kỷ phải học tập trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh phá hoại, Nhạc viện Hà Nội vẫn là trung tâm đào tạo âm nhạc đầy tự hào của cả đất nước.
Theo LĐ