Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nửa thế kỷ chắp cánh tài năng

Thụy Du| 13/12/2017 06:59

(HNM) - Thành lập từ năm 1967, nửa thế kỷ qua, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã chắp cánh cho hàng nghìn tài năng nghệ thuật, đóng góp không nhỏ cho việc cung cấp nhân lực, đào tạo nhân tài và phát triển văn hóa, nghệ thuật ở Thủ đô.

Học đi đôi với hành

Trước khi đổi tên thành Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, "cái nôi" của nghệ thuật Thủ đô này còn có tên là Trường Âm nhạc Hà Nội (giai đoạn 1967-1984) và Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Hà Nội (giai đoạn 1984-1995). Đây là trường duy nhất trực thuộc UBND TP Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo tài năng nghệ thuật cho Thủ đô và cả nước. Với hơn 1.300 sinh viên đang theo học 21 chuyên ngành, 120 giảng viên cơ hữu, hơn 100 giảng viên thỉnh giảng, những năm qua, nhà trường luôn có những bước đi sáng tạo, phù hợp với yêu cầu của Thủ đô trong phát triển văn hóa, nghệ thuật.

Một tiết mục tại liên hoan nghệ thuật của học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.


Thạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho biết: "Nghệ thuật là lĩnh vực đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo liên tục. Vì vậy, phương châm đào tạo của nhà trường luôn là "Học đi đôi với hành” để học sinh, sinh viên có kỹ năng hoàn chỉnh và kiến thức đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu xã hội. Điều này cũng tạo nền móng vững chắc cho chặng đường nghệ thuật trong tương lai của các em".

Khoa Thanh nhạc là khoa có nhiều thành tích đào tạo và biểu diễn của trường. Các thế hệ học sinh, sinh viên của khoa đều được các nghệ sĩ tên tuổi trực tiếp truyền dạy, như Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Quang Thọ, NSƯT Quang Mạo, NSƯT Dương Minh Ánh… Nhiều ca sĩ trưởng thành, đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng như Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Minh Quân, Ngọc Khuê, Đinh Mạnh Ninh…

Bên cạnh đó, mỹ thuật và các bộ môn chuyên ngành như piano, sân khấu điện ảnh, múa, nhạc cụ truyền thống cũng là thế mạnh đào tạo của trường. Nhà trường thường xuyên mời các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới và Việt Nam về giảng dạy. Khoa Piano đã nhiều lần được nghệ sĩ người Nga Vladimir Ashkenazy, NSND Đặng Thái Sơn… về hướng dẫn. Khoa Sân khấu điện ảnh và Múa thường xuyên có NSND Hoàng Dũng, NSND Anh Tú, NSƯT Minh Vượng, NSƯT Quốc Toàn… tham gia giảng dạy. Họ còn đưa học sinh, sinh viên của trường về các đơn vị nghệ thuật để thực hành biểu diễn. Chính vì vậy, nhiều học sinh, sinh viên nhà trường có thể biểu diễn tốt, đoạt giải thưởng ngay khi còn đang học tập. Điển hình là Lê Việt Quân (giải Bạc tài năng trẻ Châu Á - Thái Bình Dương), Dương Hồng Minh, Lê Thanh Lê (giải Ba tài năng trẻ Steinway khu vực Châu Á)… Nhạc sĩ Đỗ Bảo, Lưu Hà An hay các ban nhạc Sao Mai, Làn Sóng Trẻ đã có những tác phẩm nổi tiếng và thường xuyên biểu diễn trên sân khấu khi còn theo học tại trường.

Hiện nay, theo chỉ đạo của UBND thành phố, nhà trường đang thực hiện Đề án “Các nhóm ca múa nhạc biểu diễn tại sân khấu ngoài trời, phục vụ các tầng lớp nhân dân Thủ đô và khách du lịch”. Năm 2017, trường tổ chức đều đặn chương trình biểu diễn tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ và Vườn hoa Lý Tự Trọng vào dịp cuối tuần. “Đây là môi trường để các giảng viên, học sinh, sinh viên tiếp cận khán giả, trưởng thành hơn trong nghề”, NSƯT Dương Minh Ánh cho biết.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật quốc tế như trình diễn “Con đường tơ lụa” tại TP Paris (Pháp), Dự án âm nhạc dân gian tại Phần Lan, giao lưu với nghệ sĩ Thái Lan, Mỹ…

Nâng tầm nghệ thuật

Trên địa bàn Hà Nội có nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật chất lượng cao. Đó là thách thức đối với Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội trong việc tuyển sinh, nhưng cũng là động lực để trường tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp đào tạo, xứng đáng với thương hiệu đã hình thành trong nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành.

TP Hà Nội đang thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Từ nay đến năm 2020 và những năm sắp tới, nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho nền văn học, nghệ thuật Thủ đô là vô cùng cấp thiết. Hơn nữa, những ngành nghệ thuật có xu hướng hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa như nghệ thuật thị giác, sản xuất âm nhạc, đạo diễn chương trình âm nhạc… còn rất thiếu. “Vì vậy, nhà trường đề ra kế hoạch hoạt động thời gian tới là tập trung đào tạo nghề chất lượng cao, đẩy mạnh đào tạo những ngành nghề còn thiếu nhằm cung cấp nhân lực cho sự phát triển công nghiệp văn hóa”, NSƯT Dương Minh Ánh khẳng định.

Các ngành nghề trọng điểm sẽ được nhà trường chú ý đào tạo là biểu diễn nhạc cụ phương Tây (cấp quốc tế), thanh nhạc (cấp khu vực), diễn viên kịch và điện ảnh, mỹ thuật ứng dụng (cấp quốc gia)… Bên cạnh đó, nhà trường vẫn duy trì việc đào tạo các tài năng trẻ và sẽ mở thêm chương trình đào tạo xã hội hóa, đào tạo ngắn hạn và đào tạo nghề chuyên biệt. Đồng thời, nhà trường phối hợp với các đơn vị như VietinBank, Công ty TNHH An Nhu để thực hiện các dự án nghệ thuật của Thủ đô.

Trong hoạt động hợp tác quốc tế và khu vực, trường đã ký kết hợp tác toàn diện về đào tạo nghệ thuật với Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh (Trung Quốc); Nhạc viện Toulouse, Viện Nghệ thuật ISDAT (Pháp); Nhạc viện Nam Ostrobothnia (Phần Lan); Đại học Kyonggi, Đại học Sejong (Hàn Quốc)… Trong tương lai, nhà trường sẽ hướng tới các chương trình hợp tác, giao lưu quốc tế để trao đổi giảng viên, học sinh, sinh viên và tiếp cận những hình thức đào tạo tiên tiến.

Nửa thế kỷ chắp cánh tài năng, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tự hào là nơi đóng góp cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô và đất nước. Ban Giám hiệu, giảng viên, cán bộ nhà trường sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để góp phần đưa nghệ thuật nước nhà lên tầm cao mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nửa thế kỷ chắp cánh tài năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.