(HNM) - Ngoài công việc là giảng viên tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nghệ sĩ Phan Thủy còn là một cây đàn tỳ bà xuất sắc và tham gia làm Giám đốc âm nhạc cho nhiều chương trình nghệ thuật. Tâm huyết với đề tài dùng âm nhạc để thuyết phục cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sau khi đảm nhiệm thành công chương trình nghệ thuật “Thanh âm núi rừng” tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), đầu tháng 4 vừa qua, nghệ sĩ ấp ủ tiếp tục đưa ý tưởng này đến nhiều nơi.
Tỳ bà vốn là loại nhạc cụ khá “kén” người chơi, người nghe, thế nhưng cô gái 9X sinh ra và lớn lên ở Hà Nội Phan Thủy lại mê mẩn với loại nhạc cụ này như hơi thở, cuộc sống của mình. Từ một sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Phan Thủy chững chạc trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp đầy tài năng, một giảng viên với nhiều nỗ lực, cố gắng truyền tình yêu với đàn tỳ bà và các nhạc cụ truyền thống tới các thế hệ nối tiếp. Trong sự nghiệp biểu diễn, chị Phan Thủy đã từng giành được Huy chương vàng Liên hoan đàn hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc thành phố Hà Nội năm 2007, Huy chương bạc Liên hoan đàn hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc thành phố Hà Nội năm 2009, giải Ba cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020…
Ngoài chơi đàn tỳ bà, nghệ sĩ Phan Thủy còn thành thạo một số nhạc cụ như sáo, tam thập lục, T’rưng, trống dân tộc, K’rông Put, đàn bầu... Nghệ sĩ Phan Thủy đã góp mặt trong một số chương trình nghệ thuật với vai trò giám đốc âm nhạc, dù tuổi đời còn trẻ, như: “Góc phố danh vọng”, “Đêm hè sau cuối”, “Mộng ước không xa vời”... Tên tuổi của chị được khẳng định khi làm Giám đốc âm nhạc cho chương trình nghệ thuật “Thanh âm núi rừng”, nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Vì một triệu cây tre Việt” do Tỉnh đoàn Yên Bái phối hợp với UBND huyện Mù Cang Chải, Quỹ Khăn ấm cho em tổ chức vào ngày 3-4 vừa qua. Chương trình với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ trẻ, gồm 2 phần: “Nét đẹp núi rừng” và “Thiên nhiên và con người” đã đem đến khán giả nhiều tiết mục hấp dẫn: “Những cánh hoa ban”, “Hoa của núi”, “Trước ngày hội bắn”, “Tiếng rừng”, “Mưa rừng”, “Nhà em ở lưng đồi”, “Chiếc khăn Piêu”… Ý tưởng táo bạo kết hợp đa dạng các loại nhạc cụ truyền thống, phương Tây, điện tử, trong đó sử dụng âm thanh nhạc cụ mô phỏng tiếng chim, tiếng vó ngựa, tiếng lá xào xạc, tiếng gió thổi, tiếng nước chảy… của Giám đốc âm nhạc Phan Thủy đã để lại dấu ấn cho chương trình, tạo nên sự gần gũi giữa con người với thiên nhiên, thôi thúc tình yêu và bảo vệ thiên nhiên trong mỗi người.
Những ngày này, nghệ sĩ Phan Thủy đang dồn tâm huyết chuẩn bị cho đêm nhạc “Thanh âm núi rừng” thứ hai, dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 7 tới, tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Nghệ sĩ Phan Thủy khẳng định, bên cạnh đem đến những tiết mục nghệ thuật chất lượng, gần gũi với thiên nhiên, ê kíp thực hiện chuỗi chương trình “Thanh âm núi rừng” còn mong mỏi và tin tưởng khán giả yêu thiên nhiên, yêu những cánh rừng sẽ cùng nhau chung tay hành động để bảo vệ, gìn giữ và khắc phục, đem lại thật nhiều màu xanh cho quê hương, qua dự án “Vì một triệu cây tre Việt”.
Cũng theo nghệ sĩ Phan Thủy, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng giải pháp dựa vào thiên nhiên đã được các nhà khoa học chứng minh là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất. Âm nhạc chính là phương tiện hữu hiệu để kết nối thiên nhiên với con người, khơi dậy những tấm lòng chung tay bảo vệ môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.