(HNM) - ITC Pacific - một trong hai trung tâm thương mại của người Việt làm ăn thành đạt nhất ở Berlin, do một người phụ nữ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành.
Nữ doanh nhân đó là chị Trịnh Thị Mùi.
Sau một thập kỷ, với nỗ lực vượt bậc, chị đã chèo lái con thuyền ITC Pacific vượt qua nhiều sóng gió, mang lại sự sung túc cho nhiều người Việt Nam tại Đức nói chung và ở Berlin nói riêng.
Chị Trịnh Thị Mùi trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm Trung tâm ITC Pacific. |
Xuất thân là một cô giáo dạy toán ở miền sơn cước Phú Thọ, cuộc sống khó khăn ở Việt Nam đã đưa chị Trịnh Thị Mùi đến nước Đức, trở thành công nhân lao động của một nhà máy điện tử tại thành phố Dresden từ năm 1987. Nhưng mới được hai năm thì rơi vào cảnh thất nghiệp, chị phải đến Berlin bươn chải kiếm sống từ hai bàn tay trắng. Sang Đức ba năm thì thống nhất nước Đức, người Việt khi đó hầu hết đều nhận tiền hỗ trợ và về nước. Phần vì hoàn cảnh riêng, phần do muốn lập nghiệp ngay trên mảnh đất nhiều thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn nên chị quyết định ở lại. Hơn 30 tuổi, một thân một mình trên đất lạ, chị Mùi bắt đầu bằng việc buôn bán nhỏ lẻ. Với ít nhiều kinh nghiệm về mặt hàng may mặc, chị tìm mối mua hàng từ Trung Quốc, Việt Nam sang Đức bán. Công việc thuận buồm xuôi gió, chị lấy chồng cũng là Việt kiều đã sống nhiều năm ở Đức và mở công ty xuất khẩu. Vốn liếng đã kha khá, song day dứt không yên khi nhìn cảnh người Việt Nam phải bán hàng nơi vỉa hè, góc chợ với rất nhiều thiệt thòi và nguy hiểm. Năm 1993, chị Mùi bỏ tiền thuê đất làm một khu chợ nhỏ cho người đồng hương đến kinh doanh. Từ "bệ đỡ" này nhiều người Việt buôn bán nhỏ lẻ đã lập công ty, về nước tìm mối hàng sang bán buôn, bán lẻ tại chợ. Nhiều công ty đến từ Trung Quốc, Bỉ, Ấn Độ cũng đến khu chợ này thuê chỗ kinh doanh. Không dừng ở đó, chị Mùi đã nhiều lần về nước để tìm kiếm đầu ra cho hàng Việt Nam từ hàng may mặc, mây tre đan đến sản phẩm nông nghiệp. Cơ hội buôn bán lớn dần, năm 2004, chị cùng một số bạn bè lập Trung tâm ITC Pacific tại Berlin. Qua những khó khăn ban đầu, trung tâm đang dần đi vào ổn định và phát triển.
Với diện tích 47.000m2, trong đó có 17.000m2 dành cho các gian hàng giao dịch và 30.000m2 cho bãi đỗ xe, ITC Pacific đặt tại phố Rihn là một trung tâm buôn bán thuộc loại lớn nhất hiện nay của người Việt Nam ở Berlin. Đến nay, trung tâm đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều cộng đồng Châu Á ở thành phố này. Khu vực buôn bán hiện nay có đến 80% là người Việt Nam, ngoài ra là người Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ... với 105 gian hàng từ nhà hàng ăn, tiệm uốn tóc, cửa hàng thực phẩm, quần áo, giày dép, bàn ghế... Trong khuôn viên Trung tâm ITC Pacific, chị Mùi đã xây dựng ngôi chùa Phổ Đà, trường dạy tiếng Việt "Sao Mai" và "Trung tâm văn hóa Việt" - một sân chơi văn hóa bổ ích cho cộng đồng người Việt Nam ở Berlin và nước Đức, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong các thế hệ con cháu người Việt tại quốc gia Châu Âu này.
Để chèo chống một sản nghiệp lớn như ITC Pacific là điều không dễ dàng với một người phụ nữ. Nhưng người ta nhìn thấy đằng sau sự cương quyết, cứng cỏi của chị Trịnh Thị Mùi là tính cách của một người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, điềm đạm. Hẳn đó là một trong những yếu tố giúp nữ doanh nhân bản lĩnh này thành công trên con đường kinh doanh đầy thử thách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.