Bị chấm dứt hợp đồng sau khi nhặt được 5 lượng vàng trong lúc làm việc, nữ công nhân Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau khởi kiện công ty để đòi quyền lợi.
Sáng 28/6, sau một ngày xét xử, TAND TP Cà Mau tuyên hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Phạm Tuyết Mai (36 tuổi) của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Công Lý (quản lý Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau).
Chị Mai cười tươi sau khi được tòa tuyên thắng kiện. Ảnh: Phúc Hưng |
Theo nội dung khởi kiện, chiều 4/8/2014, trong lúc phân loại rác, chị Mai nhặt được chiếc ví bên trong có gần 5 lượng vàng. Sau đó, lãnh đạo nhà máy đến lập biên bản giữ số vàng này nhưng chị không đồng ý. Số vàng sau đó được bàn giao cho công an tìm chủ sở hữu.
Ngày 13/8/2014, ông Nguyễn Tiến Tân, Giám đốc điều hành Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau tổ chức họp, xử cho chị Mai thôi việc. Nữ công nhân bị cáo buộc vi phạm quy định của Tổng giám đốc công ty về việc kiểm soát ra vào cổng và chống trộm cắp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và lợi ích công ty vì nhặt được vàng mà không chịu bàn giao cho đơn vị.
Đến ngày 5/9/2014, công ty yêu cầu chị Mai đến nhận quyết định của Tổng giám đốc về việc chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không ghi rõ nữ công nhân vi phạm lỗi gì. Cho rằng quyết định này xâm phạm quyền lợi chính đáng của mình, chị Mai khởi kiện đến TAND TP Cà Mau.
Tại tòa, ông Nguyễn Tiến Tân, Giám đốc điều hành Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau - đại diện cho Công ty Công Lý - khẳng định quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị Mai là đúng luật.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, hợp đồng lao động ký lần 3 giữa công ty với chị Mai (ngày 1/6/2013, thời gian 36 tháng) là chưa đúng, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, do đó tòa xác định đây là hợp đồng lao động loại không thời hạn theo Điều 22 Bộ Luật lao động.
Theo HĐXX, phiên họp kỷ luật chị Mai ngày 13/8/2014 không có mặt của người sử dụng lao động là Công ty Công lý, nên công ty chưa chứng minh được lỗi của người lao động theo quy định. Đặc biệt là việc công ty dựa vào quy định của đơn vị, trong khi quy định này chưa được đăng ký với các cơ quan chức năng để chấm dứt hợp đồng lao động là chưa đủ căn cứ, vi phạm quy định pháp luật, vi phạm thời hạn báo trước.
Ngoài ra, quyết định của công ty không căn cứ vào quy định, điều luật nào của Bộ Luật lao động để chấm dứt hợp đồng với người lao động…
Từ đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu của chị Mai, buộc Công ty Công Lý nhận chị trở lại làm việc, trả tiền lương trong thời gian chị không làm việc (hơn 76 triệu đồng), truy nộp bảo hiểm và các yêu cầu khác của nữ công nhân.
Liên quan vụ việc, sau khi tiếp nhận số vàng chị Mai nhặt được, Công an TP Cà Mau thông báo tìm chủ sở hữu. Tháng 9/2015, chị Nguyễn Thị Bích Ngân (32 tuổi, phường 8, TP Cà Mau) được xác định là chủ nhân 5 lượng vàng và đã được nhận lại tài sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.