Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông nghiệp Việt Nam: Thiếu hành trang để chủ động hội nhập

Hà Phong| 09/04/2014 06:04

(HNM) - Đã đến lúc nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại phiên họp giải trình chủ đề "Khoa học, công nghệ trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới" do Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 8-4. Tuy nhiên, đọng lại sau khẳng định đó là sự lo lắng của không ít đại biểu Quốc hội khi chất lượng vật tư, con giống, công tác liên kết, phối hợp đang có nhiều bất cập.

Trồng ngô lai thành công, Việt Nam sẽ từng bước chủ động được nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Mạnh Cường


Còn nhiều mảng tối

Phải khẳng định, ngành nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong đó, người nông dân đảm nhận trọng trách giữ vững an ninh lương thực quốc gia. Thời gian qua, người nông dân không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp lúa gạo trong nước mà còn giúp Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Song, đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), Trần Xuân Hùng (đoàn Hà Nam) lưu ý, đó là kỳ tích đã qua, không phải là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho thành công trong tương lai. Hiện nay chất lượng vật tư nông nghiệp, con giống "có vấn đề" và công tác phân phối hàng hóa chưa chặt chẽ. Theo đại biểu Trần Xuân Hùng, thời gian qua, nhiều địa phương xuất hiện giống giả, thuốc bảo vệ thực vật giả… khiến nông dân "lãnh đủ".

Mặt khác, theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh), việc doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận khi bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng còn làm mất lòng tin của người dân với các sản phẩm chân chính, có hàm lượng khoa học cao. Những việc làm này vô hình dần phá vỡ mối liên kết "ba nhà" khi nông dân không còn tin tưởng nhà khoa học và doanh nghiệp. Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) nêu vấn đề, năm 2013, nước ta xuất khẩu lúa gạo được 2,95 tỷ USD, nhưng phải nhập khẩu tới hơn 3 tỷ USD thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho rằng, đây là một nghịch lý và yêu cầu Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nhiều đại biểu còn phản ánh, ngành thức ăn chăn nuôi đang bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng, trong khi nước ta sản xuất nhiều nông sản nhưng không xuất khẩu được hoặc xuất khẩu với giá rẻ. Hiện thức ăn chăn nuôi phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, chi phí sản xuất cao, giá thức ăn chiếm 65 - 70% giá thành sản phẩm, chưa kể tình trạng giết mổ thủ công tràn lan, dịch bệnh nhiều. Với chừng ấy bất cập chưa được giải quyết, đại biểu Trần Xuân Hùng khẳng định, ngành nông nghiệp muốn tham gia vào sân chơi chung toàn cầu nhưng lại thiếu hành trang để chủ động hội nhập.

Tăng cường chất xám cho tam nông

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, chăn nuôi là lĩnh vực yếu nhất trong ngành nông nghiệp. Những yếu kém đó có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN& PTNT. Hệ thống chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ đã có quá trình phát triển nhiều năm. Giải pháp tới đây cần thực hiện là một mặt hỗ trợ bà con, mặt khác khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô lớn ở các cơ sở chăn nuôi công nghiệp, áp dụng khoa học để làm ra sản phẩm năng suất, chất lượng cao, có sức cạnh tranh quốc tế. "Hiện đã có 134 công trình nghiên cứu khoa học, phần lớn đã được chuyển giao vào sản xuất, trong đó có 4 giống lợn mới, 12 dòng gà, 6 dòng ngan, 4 dòng vịt đem lại thay đổi lớn về chất lượng sản phẩm. Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo nghiên cứu, chọn tạo, phổ biến cho nhân dân các giống vật nuôi đạt trình độ công nghệ có thể cạnh tranh. Phát triển các loại vật nuôi là lợi thế của nước ta và của từng vùng" - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Giải trình về hướng đi mới trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, người đứng đầu ngành nông nghiệp giải thích, hiện một bao gạo có đến 5 - 7 loại giống bị trộn lẫn. Chúng ta sản xuất nông sản thô nhiều nên thu nhập của người dân còn thấp. Tới đây cần chú trọng khâu bảo quản, chế biến, đưa khoa học, công nghệ vào đồng ruộng, có chính sách hỗ trợ nông dân nhiều hơn, phân phối lợi ích công bằng và nhiều doanh nghiệp phải tham gia vào chương trình này. Với công tác chuẩn bị hiện nay, khoảng 5 năm tới ngành lúa gạo sẽ chuyển biến rõ hơn.

Dù vậy, ông Bùi Nguyên Súy, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội lưu ý, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, cần theo dõi chặt chẽ quy trình chuyển giao khoa học, công nghệ, vì tình trạng nhà khoa học và nhà quản lý "vênh" nhau trong tư duy vẫn xảy ra. Bác lại quan điểm này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, 5 năm vừa qua, việc thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ khoa học, công nghệ đã đem lại hiệu quả lớn, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng nông sản. Phần lớn sự tăng trưởng của nông nghiệp là nhờ tăng năng suất chứ không phải tăng diện tích.

Chưa hẳn đồng tình với câu trả lời trên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đề xuất, trong sản xuất lúa gạo cần hạn chế đầu tư dàn trải, thay vào đó hãy nâng cao chất lượng hạt gạo, có thể giảm số lượng xuất khẩu mà giá trị kim ngạch vẫn cao. Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiếp tục phải đặt trong bài toán tổng thể. "Hiện các nhà khoa học thường chỉ quan tâm đến vấn đề mà mình muốn nghiên cứu, không phải là vấn đề mà ngành nông nghiệp đang bức xúc. Chẳng hạn nghiên cứu về thức ăn chăn nuôi, mấy chục năm qua chưa có nhà khoa học nào đề xuất đề tài về lĩnh vực này" - Bộ trưởng Nguyễn Quân dẫn chứng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: "Mặc dù đứng trong top 15 nền kinh tế xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển theo chiều rộng, hiệu quả hạn chế. Đã đến lúc, tập trung nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa đồng thời chuyển hướng mạnh mẽ sang cạnh tranh quốc tế. Chúng ta không thể trồng khoai tây, lúa mì mà phải sản xuất lúa, tôm, cà phê, cá ba sa... bởi đó là thế mạnh của chúng ta. Đây cũng là bài học trong hơn 20 năm qua. Làm ít sản lượng nhưng giá trị phải cao. Nhà nước phải nghiên cứu, cùng với các tổ chức, cá nhân để tạo ra nhiều sản phẩm khoa học, chuyển giao cho nông dân kỹ thuật canh tác tiên tiến. Có như vậy, người nông dân mới có thể cạnh tranh mạnh mẽ hơn".
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp Việt Nam: Thiếu hành trang để chủ động hội nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.