Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò ''trụ đỡ'' của nền kinh tế

Đỗ Minh| 17/04/2022 06:18

(HNM) - Quý I-2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản Hà Nội đạt mức tăng trưởng 3,39%, tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh còn nhiều thách thức. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ xung quanh kết quả này.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ.

Tăng trưởng cao nhưng còn nhiều thách thức

- Quý I-2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội đạt mức tăng trưởng 3,39%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp…, hoàn toàn có thể khẳng định đây là “mảng sáng” của nền kinh tế Thủ đô. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả này?

- Dịch Covid-19 kéo dài đã tác động không nhỏ đến kinh tế Thủ đô nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng; chưa kể những rủi ro từ thời tiết, dịch bệnh… Tuy nhiên, trong quý I-2022, ngành Nông nghiệp Thủ đô ghi nhận sự tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực. Với lĩnh vực trồng trọt, diện tích gieo trồng cây vụ xuân 2022 đạt kết quả đáng ghi nhận: Diện tích lúa cấy, gieo sạ được 83.039ha, đạt 101,96% so với kế hoạch đề ra; diện tích rau, màu 18.002,1ha... Trong lĩnh vực chăn nuôi, tổng số lượng đàn bò là 130,5 nghìn con (tăng 0,38%); đàn lợn 1,35 triệu con (tăng 3,8%); đàn gia cầm là 38,5 triệu con, tương đương cùng kỳ năm trước.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, các địa phương, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đã chủ động phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Ngoài ra, diện tích nuôi trồng thủy sản là 24.000ha; trong quý I-2022, sản lượng đạt 24.895 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

- Để đạt kết quả tích cực nêu trên, ông có thể nói rõ hơn những giải pháp mà ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai trong thời gian qua?

- Thời gian vừa qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Cùng với đó là phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có công nghệ tiên tiến.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã tăng cường liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo cán bộ chuyên sâu về khoa học công nghệ nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ... Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tập trung vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thành phố, trở thành trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương khác...

- Thực tế cho thấy, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cần hóa giải để khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế. Thực trạng cụ thể về vấn đề này như thế nào thưa ông?

- Sản xuất nông nghiệp không chỉ bị tác động bởi các yếu tố về thị trường, xã hội mà còn chịu nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh. Trong quý I-2022, đỉnh điểm là tháng 2 xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng và tiến độ gieo cấy lúa. Đáng nói, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, mực nước trên sông Hồng, sông Đà... hạ thấp gây khó khăn trong công tác lấy nước phục vụ gieo trồng.

Cùng với đó, tiến độ thu hoạch cây vụ đông để giải phóng đất làm vụ xuân còn chậm; tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi... Cơ sở hạ tầng ở các khu chuyển đổi chưa đồng bộ nên cũng gây khó khăn cho sản xuất, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản… Đáng chú ý là tình trạng người dân bỏ ruộng không sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng chung của ngành...

Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ nông sản

- Cùng với những khó khăn nội tại, dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đề ra những giải pháp nào để duy trì tăng trưởng?

- Trước mắt, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện các chỉ tiêu chính đề ra trong năm 2022. Cụ thể là duy trì diện tích cây trồng khoảng 231,3 nghìn héc ta; trong đó, lúa là 157-159 nghìn héc ta; cây lâu năm 24,5 nghìn héc ta... Đối với sản xuất vụ xuân, tiếp tục gieo trồng cây rau màu bảo đảm diện tích và kịp thời vụ, chú ý bảo đảm đủ nước để tưới dưỡng cho lúa xuân và rau màu. Trong vụ mùa và vụ đông sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Công tác chỉ đạo cần cụ thể, quyết liệt, bám sát tình hình sản xuất; đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, chủng loại giống, vật tư phục vụ sản xuất. Mặt khác là chú trọng phòng trừ sâu bệnh bảo vệ cây trồng, làm tốt công tác dự báo; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong ngành Nông nghiệp và địa phương về triển khai, xây dựng các mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với việc tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, sản xuất các giống cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp phát triển đàn vật nuôi, trong đó chú trọng vào đàn bò và đàn lợn…; đồng thời tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp, người dân hình thành thêm chuỗi chăn nuôi khép kín có sự liên kết để bảo đảm tiêu thụ ổn định...

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ chuyển đổi đối tượng đầu tư phù hợp các với vùng sinh thái; rà soát chiến lược phát triển với từng đối tượng vật nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô sát với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ngành Nông nghiệp cũng sẽ tập trung xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi khép kín, chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng nông sản, trong đó hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ là đơn vị đi đầu; đồng thời tăng cường liên kết vùng trong việc tiêu thụ sản phẩm.

- Để nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội có chiến lược duy trì tăng trưởng bền vững thế nào, thưa ông?

- Ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, phân phối thị trường và liên kết là giải pháp mang tính đột phá, qua đó thúc đẩy phát triển bền vững, phù hợp với xu thế của thời đại.

Mới đây, ngành Nông nghiệp đã tổ chức hội thảo Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm làm rõ sự cần thiết, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và trang trại, hình thành chuỗi giá trị, chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp bền vững… Tại hội thảo, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã khớp nối các đơn vị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để ký kết hợp đồng và biên bản ghi nhớ về tiêu thụ nông sản; trong đó nổi bật là việc ký kết giữa các sàn thương mại điện tử với doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố...

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Việc số hóa toàn bộ quy trình, từ sản xuất, thu hoạch đến phân phối sản phẩm không chỉ tăng cường thông tin giữa các bên liên quan trong hệ thống mà còn nâng cao khả năng hiển thị dọc theo chuỗi cung ứng cho các tác nhân khác nhau, giúp quy trình trở nên minh bạch và hiệu quả cao hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò ''trụ đỡ'' của nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.