(HNM) - Cơ chế tín dụng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra là vấn đề nóng trong nhiều năm nay. Theo đánh giá chung, chính sách của Nhà nước đã từng bước được cải thiện nhưng còn chồng chéo, chưa thực sự tạo động lực để các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Một trong những hậu quả là người nông dân, đặc biệt ở các vùng khó khăn, tiếp tục lối sản xuất lạc hậu; giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường còn nhiều khoảng cách...
Nhiều ưu đãi mới
Dự thảo nghị định về Chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (trình Chính phủ) đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế bởi có rất nhiều thay đổi so với các quy định trước đó. Chẳng hạn, về cơ chế bảo đảm tiền vay, các tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản. "Trần" cho vay cũng được nới rộng khi các tổ chức tín dụng có thể cho vay tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; cho vay tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ sản xuất ngành nghề, làm dịch vụ ở nông thôn; cho vay đến 500 triệu đồng đối với các đối tượng là chủ trang trại, hợp tác xã (Điều 6)... Điểm đáng chú ý khác là thời hạn cho vay cũng được điều chỉnh linh động hơn khi "căn cứ vào thời gian sinh trưởng của vật nuôi, cây trồng, thời gian luân chuyển vốn, khả năng hoàn vốn của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời hạn vay vốn phù hợp" (Điều 7). Đồng thời, trong trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh… thì được xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ và có thể được vay mới để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, người nông dân (gọi chung) bị thiệt hại nặng, không có khả năng trả nợ còn có thể được Chính phủ hỗ trợ, được khoanh nợ không tính lãi (thời gian tối đa là 2 năm)... Mặt khác, nếu nông dân mua bảo hiểm đối với các rủi ro phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước có thể hỗ trợ tới 50% phí bảo hiểm... Riêng người sử dụng các phế liệu trong nông nghiệp để sản xuất sản phẩm phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu còn được hưởng mức thuế suất 0%...
Bốc xếp gạo cho những chuyến hàng xuất khẩu đầu năm tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Huy Hùng |
Trong khi đó, theo Quyết định 67/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (cũng về lĩnh vực này), nhiều quy định đã không còn phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, mức cho vay không có bảo đảm tối đa đến 10 triệu đồng hiện đã quá thấp; quy định dành một phần vốn ngân sách chuyển sang cho ngân hàng để cho vay, các ngân hàng thương mại được phát hành trái phiếu lãi suất huy động bình thường tại cùng thời điểm là 1% để cho vay nông nghiệp là không thực hiện được. Đấy là chưa kể còn nhiều khập khiễng, thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng khi triển khai chính sách. Hậu quả là hoạt động tín dụng nông nghiệp trong một thời gian dài không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Theo đánh giá chung, nếu dự thảo nghị định lần này được thông qua sẽ tạo ra cơ chế phù hợp để các tổ chức tín dụng chuyển vốn nhiều hơn về cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo cơ chế thương mại, lãi suất phù hợp; người nông dân cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng khi nhiều thủ tục bất lợi được đơn giản hóa hoặc loại bỏ.
Tại sao lại xứng đáng?
Năm 2009, khi nền kinh tế phải nhập siêu trong bối cảnh khủng hoảng thì ngành nông nghiệp lại xuất siêu. Nông sản là một trong những mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu cao. Đáng chú ý, các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản vẫn giữ được vị thế cạnh tranh. Do đó, dù nhiều mặt hàng giảm tỷ trọng (xuất khẩu) nhưng giá trị vẫn tăng. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt khoảng 15,4 tỷ USD. Ngành nông nghiệp được nhận định là đã "cứu cả nền kinh tế".
Ngành nông nghiệp đã "cứu cả nền kinh tế" nhưng bằng cách lấy công làm lãi, phần lớn xuất thô, chưa có giá trị gia tăng cao khi người nông dân ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vẫn sản xuất theo lề lối lạc hậu, chưa có sự gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Việt Nam đã hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, đòi hỏi phải đẩy mạnh đầu tư để hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP những năm gần đây có xu hướng giảm song vẫn còn tới 70,4% dân số sống ở khu vực nông thôn và hơn 50% lao động hoạt động trong lĩnh vực này.
Nông nghiệp, nông thôn và người nông dân không chỉ cần những cơ chế mới để bứt phá mà còn xứng đáng với những hỗ trợ đó.
Cơ chế và đường đi
Ngay cả khi nghị định này được thông qua, nhiều ý kiến vẫn bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả của nó. Ngay trong năm 2009, chính sách hỗ trợ lãi suất khu vực này theo gói kích cầu của Chính phủ vẫn chưa tương xứng. Kích cầu chưa thực sự đem lại nhiều lợi ích cho nông dân và trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc mà thiệt thòi hầu như đều rơi vào nông dân. Sự chậm trễ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tổ chức thực hiện chậm, thủ tục vay vốn nhiều phiền toái... Vấn đề này thậm chí đã được bàn thảo sôi nổi trong kỳ họp của Quốc hội. Khi đó, báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam cho thấy, trong 36 tỉnh có báo cáo, có tới 7 tỉnh "chưa tiếp cận được gói kích cầu". Một trong những khó khăn là quy định để được vay vốn hỗ trợ phải lập dự án, phương án sản xuất và phải có thế chấp tài sản thì mới được vay. Điều này ngang với đánh đố người nông dân.
Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hiện còn quá thấp dù nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Năm 2010, nền kinh tế bắt đầu bước vào ổn định, phát triển thì nông nghiệp sẽ là "chiếc phao" và là "tấm chắn" để tái cơ cấu nền kinh tế. Nghị định theo dự thảo nêu trên đã tạo ra nhiều cơ chế thông thoáng, phù hợp, tuy nhiên thực tế vẫn đòi hỏi có cơ chế thực hiện - tức đường đi của chính sách... không có... rào cản, vướng mắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.