Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông nghiệp khởi sắc

Ngọc Quỳnh| 01/08/2015 06:50

(HNM) - Sau 7 năm mở rộng địa giới hành chính, ngành nông nghiệp Hà Nội đang có những chuyển biến tích cực. Cuộc

Thành phố đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi, xây dựng hạ tầng phục vụ cho sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần quan trọng tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp Thủ đô.

Nụ cười rạng rỡ của nông dân vùng lúa hàng hóa chất lượng cao. Ảnh: Thái Hiền



Nhiều chính sách đưa vào thực tiễn

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, xác định được điểm yếu trong phát triển nông nghiệp của thành phố là ruộng đất manh mún, cản trở việc đưa cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị canh tác, thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) và quy hoạch lại đồng ruộng. Đồng thời ban hành các nghị quyết về khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn và cụ thể hóa tại Quyết định số 16 để tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Thành phố đã bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, thị xã trên 2.000 tỷ đồng để phục vụ công tác DĐĐT. Các huyện đã chỉ đạo thực hiện và cơ bản hoàn thành công tác DĐĐT theo kế hoạch. Sau DĐĐT toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch lại bên cạnh việc đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí nông thôn mới. Mỗi hộ gia đình trước DĐĐT có 7 - 15 ô, thửa, thậm chí 27 - 39 ô, thửa đến nay chỉ còn 1 - 2 ô, thửa, đã tạo thuận lợi cho người dân trong tổ chức sản xuất, giảm bớt ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu nên người dân rất phấn khởi…

Sau khi dồn đổi ruộng, các địa phương đồng loạt bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Để đưa các loại con giống có giá trị cao vào sản xuất, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ giống vật nuôi cho nông dân, phát triển mô hình chăn nuôi lớn. Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã đề nghị hỗ trợ lãi suất cho 9 cơ sở sản xuất giống lợn ở các huyện với số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng. Đối với chương trình đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ và trình UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ lãi suất cho 55 hộ với kinh phí khoảng 470 triệu đồng… Đặc biệt, đối với việc thực hiện Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND về khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020, thời gian qua, thành phố đã phê duyệt và giao cho Sở NN&PTNT thực hiện 3 chương trình, 4 đề án phát triển nông nghiệp. Đến nay các chương trình, đề án đều đang triển khai, bước đầu hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Giá trị canh tác đạt 231 triệu đồng/ha, tăng 2 - 3 lần so với năm 2008; giá trị ngành nông nghiệp tăng bình quân 2,4% năm.

Sản xuất nông nghiệp khởi sắc

Nhờ có các chính sách hỗ trợ kịp thời, cùng với sự năng động của người dân, nhiều mô hình nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn đã và đang hình thành, tạo ra diện mạo mới cho nền nông nghiệp Thủ đô. Về nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn thành phố đã có nhiều vùng nuôi lớn với diện tích nuôi thâm canh đạt 9.634ha. Sản lượng thủy sản tăng lên đáng kể với 80 nghìn tấn/năm, trong khi năm 2008 chỉ đạt 36.000 tấn/năm, năng suất tăng từ 3 đến 4 tấn/ha lên 7 - 8 tấn/ha với giá trị 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2010 - 2015 đã góp phần làm giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ của thành phố từ 80% (năm 2008) xuống còn 60% hiện nay. Đặc biệt, trên địa bàn đã hình thành 69 xã chăn nuôi trọng điểm, trong đó có 12 xã chăn nuôi bò sữa, 15 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm; 15 vùng chăn nuôi trọng điểm. Ngoài ra, còn có 2.924 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, với giá trị 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm.

Trong phát triển trồng trọt, thành phố đã triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, cây ăn quả... Đối với đề án phát triển cây ăn quả, từ năm 2012, thành phố đã hỗ trợ trồng mới được 594ha cây ăn quả, nhiều mô hình đã cho giá trị 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm; hỗ trợ và xây dựng được 4 nhãn hiệu tập thể sản phẩm quả với 2 nhãn hiệu nhãn chín muộn ở Quốc Oai, Hoài Đức, 1 nhãn hiệu bưởi đường Quế Dương, 1 nhãn hiệu cam Canh Kim An. Hiện các địa phương đang xây dựng nhãn hiệu cho bưởi đồi gò Chương Mỹ, bưởi Phúc Thọ, phật thủ Hoài Đức. Đối với Chương trình lúa hàng hóa, từ năm 2011 đến nay, thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng cao, tập trung ở 8 huyện trọng điểm với quy mô 25.000ha, giá trị thu được tăng thêm 15 - 20% so với trồng lúa thông thường. Đặc biệt, nhiều nhãn hiệu tập thể như "Gạo Bồ Nâu", gạo thơm Bối Khê (Thanh Oai) và nếp cái hoa vàng Tân Hưng (Sóc Sơn) đã và đang xây dựng giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm… Chương trình rau an toàn cũng được đẩy mạnh. Hiện tổng diện tích rau an toàn của thành phố được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện là 5.000ha chiếm 39% tổng diện tích rau thành phố, giá trị tăng 10 - 20% so với rau bình thường.

Có thể thấy, việc cụ thể hóa các nghị quyết của Thành ủy thành các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp trong những năm qua đã phát huy hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, vẫn chưa hình thành, phát triển được các vùng nông sản hàng hóa có năng suất, chất lượng cao do việc đầu tư, hỗ trợ hạ tầng, giống vật tư và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế. Để khắc phục những tồn tại này và nâng cao khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế và khu vực sắp tới, các địa phương cần tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách đã ban hành và nghiên cứu đề xuất, trình HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách mới sát thực tế, thuận tiện và đơn giản trong tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất và chế biến nông sản với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài; tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ đầu mối nông, lâm sản ở các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp và vùng phụ cận đô thị...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp khởi sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.