(HNM) - Nông nghiệp công nghệ cao là mô hình nhiều quốc gia trên thế giới như Israel, Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan... đã thực hiện thành công.
Những “viên gạch” khởi điểm
Tháng 3-2017, Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin đã đến thăm Dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Tam Đảo (Vĩnh Phúc), thuộc Tập đoàn Vingroup. Người đứng đầu Nhà nước Israel - quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại nhất thế giới đã đánh giá rất cao mô hình mà VinEco Tam Đảo đang triển khai. Ông Reuven Ruvi Rivlin khẳng định, Israel sẽ tiếp tục hỗ trợ và phối hợp với Việt Nam để phát triển các mô hình sản xuất công nghệ cao nhằm cung ứng cho thị trường trong nước nông sản sạch, chất lượng và hướng tới xuất khẩu.
Israel được biết đến là đất nước duy nhất có khả năng biến sa mạc khô cằn thành đất canh tác màu mỡ cho hiệu quả tích cực nhờ ứng dụng công nghệ cao, tạo ra nền nông nghiệp hiện đại, có tác động mạnh mẽ tới nông nghiệp thế giới. Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng Israel lại là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Vì thế, những đánh giá của Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin trong chuyến thăm trên rất đáng để suy nghĩ.
Thực tế, đến nay chúng ta đã làm được gì?
Hiện thời, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn mua công nghệ của Israel để phát triển nông nghiệp trong nước. Đơn cử, Dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Tam Đảo (Vĩnh Phúc) - được coi là một trong những viên gạch khởi điểm cho nền nông nghiệp công nghệ cao nước ta - có diện tích 5,5ha, đang sử dụng công nghệ nhà kính của Công ty khoa học hàng đầu Israel Teshuva Agricultural Projects (mô hình nhà kính đầu tiên ký kết với đối tác Việt Nam). Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật của VinEco Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: Nhà kính có hệ thống lưới cảm ứng thời tiết, khi có mưa sẽ tự đóng lại để ngăn mưa, đồng thời chặn côn trùng, giúp kiểm soát sâu bệnh cho cây trồng. So với phương pháp sản xuất truyền thống, ứng dụng công nghệ cao sẽ giảm thiểu việc sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, với ứng dụng công nghệ này, mô hình có thể sản xuất những bộ giống độc đáo, cung ứng cho thị trường đa dạng rau, củ, quả với năng suất cao gấp 3-6 lần so với sản xuất thông thường...
Một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao điển hình nữa là trang trại bò sữa của Tập đoàn TH ở Nghệ An. Giá trị mà công nghệ cao mang lại không chỉ cho doanh nghiệp này mà cho cả người dân và địa phương. Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH cho biết: Tập đoàn đã mua toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel, nhập khẩu toàn bộ quy trình chế biến sữa hàng đầu thế giới. “Xét về thổ nhưỡng, nếu Israel có 50% thì Việt Nam đạt tới 100%. Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khoa học kỹ thuật, Israel đạt 100% thì Việt Nam chỉ 30%" - theo bà Thái Hương. Thực tế, ứng dụng công nghệ cao, đàn bò của TH true Milk phát triển rất nhanh với khoảng 137.000 con, chiếm 50% tổng số bò sữa cả nước. Nhờ đó, mảnh đất cằn cỗi miền tây Nghệ An nay đã thành trang trại trù phú với những đàn bò sạch trên nền đồng cỏ mướt xanh đầy sức sống...
Lấp lánh "mùa quả ngọt"
Đấy là phác thảo câu chuyện về nông nghiệp công nghệ cao ở quy mô cả nước. Tại Hà Nội, với đặc thù nông nghiệp phát triển ngay trong lòng Thủ đô, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao lại càng là vấn đề thời sự.
Năm 2017, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã chọn là năm mở rộng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao. Sở NN&PTNT được giao chủ trì xây dựng 1 điểm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp thành phố. Đồng thời, mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 điểm. Huyện nào đăng ký làm nông nghiệp công nghệ cao, Ban Chỉ đạo sẽ hỗ trợ về cơ chế và kinh phí...
Quả ngọt đã đơm, điển hình là mô hình trồng hoa lan của Hợp tác xã Đan Hoài - Flora Việt Nam (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng). Giám đốc Công ty Flora Việt Nam Bùi Bích Hường chia sẻ: Hiện, công ty có khu sản xuất rộng 10.000m2, chuyên canh hoa cao cấp như lan, ly... Doanh thu từ lan hồ điệp trong nhà kính đạt 4-5 tỷ đồng/ha/năm; từ lan vũ nữ, ly trong nhà lưới hiện đại cấp II đạt 1,2-2 tỷ đồng/ha/năm. Hoa của công ty được đánh giá cao, không kém hoa nhập khẩu. Ngoài ra, công ty đã tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên và 70 lao động thời vụ với thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng...
Tương tự, mô hình trồng nấm công nghệ cao sử dụng công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cũng được coi là một trong những “viên gạch đầu tiên” ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội. Hiện tại, công ty sản xuất 2 loại chính: Nấm kim châm và nấm sò tím với công suất 1,5 tấn/ngày; năm 2018 sẽ nâng công suất lên 3 tấn/ngày...
Hai mô hình công nghệ cao trên được Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao. Các mô hình phù hợp với nội dung của Chương trình 02 của Thành ủy, góp phần xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái hiện đại.
Ngoài ra, Hà Nội đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội còn nhỏ lẻ. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn hiện triển khai được 105 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới đạt khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Vượt thoát khỏi rào cản là yêu cầu chung trong xây dựng nông nghiệp công nghệ cao cả nước. Đó cũng là yêu cầu với nông nghiệp Thủ đô để đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Đó không chỉ là việc xác định nhóm sản phẩm để triển khai, huy động sự tham gia của doanh nghiệp... Đó còn là chuyện tích tụ ruộng đất, vấn đề tối quan trọng. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đang tham mưu cho thành phố xây dựng chính sách tích tụ ruộng đất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các vùng sản xuất tập trung...
Kỷ nguyên 4.0 mở cơ hội lớn cho ngành Nông nghiệp với những tiến bộ vượt trội về công nghệ sinh học, tin học, tự động hóa... phục vụ sản xuất. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - nông nghiệp thông minh đang đòi hỏi sự đầu tư lớn hơn nữa về trí và lực. Tuy nhiên, có thể nói, nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội đã lấp lánh hy vọng về những “mùa quả ngọt”!-
Hà Lan cũng là một điển hình về nông nghiệp công nghệ cao. Tốc độ phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp Hà Lan được xếp vào nhóm nước hàng đầu thế giới. Một ví dụ khác là Nhật Bản: Dù chỉ 3% dân số nước này làm nông nghiệp nhưng cung cấp đầy đủ thực phẩm chất lượng cao cho hơn 127 triệu dân, ngoài ra còn dư để xuất khẩu. Nền nông nghiệp Nhật Bản được ví như nền nông nghiệp công nghiệp... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.