Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông nghiệp công nghệ cao là khâu đột phá

Nguyễn Mai| 25/01/2019 07:20

(HNM) - Mặc dù năm 2018 gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Nông nghiệp Thủ đô vẫn nỗ lực vượt qua, đạt tốc độ tăng trưởng 3,6% - cao nhất trong 5 năm gần đây.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.

Sản xuất nấm bằng công nghệ của Hàn Quốc tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Thái Hiền


- Trước tiên, xin ông cho biết kết quả nổi bật trong “bức tranh” nông nghiệp Thủ đô năm 2018?

- Theo tôi, thành tựu ấn tượng nhất của ngành Nông nghiệp Hà Nội là tốc độ tăng trưởng đạt 3,6% so với năm 2017, là năm tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. Về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã có 325/386 xã hoàn thành - về đích trước 2 năm so với mục tiêu chương trình đề ra. Hà Nội tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh như: Vùng trồng lúa, cây ăn quả, chăn nuôi... Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp đang phát triển theo chuỗi, quy trình an toàn. Trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội đã xây dựng được 127 mô hình; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố...

- Bên cạnh thuận lợi, sản xuất nông nghiệp Thủ đô còn khó khăn gì, thưa ông?

- Hà Nội đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, song do đặc thù “đất chật, người đông” bình quân diện tích ruộng/hộ của Hà Nội rất thấp, nên diện tích canh tác vẫn manh mún. Hơn nữa, do thực hiện Nghị định 35/2015/NĐ-CP (ngày 13-4-2015 của Chính phủ) về quản lý, sử dụng đất trồng lúa nên diện tích trồng lúa ở Hà Nội còn rất lớn (khoảng 90.000ha), trong khi giá trị lúa thấp hơn rất nhiều so với cây ăn quả, thủy sản…

Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Điển hình năm 2018, trận mưa lịch sử đã làm ngập úng nghiêm trọng một số xã thuộc các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức. Mặt khác, Hà Nội là trung tâm trung chuyển gia súc, gia cầm của nhiều tỉnh, thành phố, cùng với tổng đàn gia súc, gia cầm luôn ở tốp đầu cả nước nên khả năng bùng phát dịch bệnh từ đàn vật nuôi rất dễ xảy ra...

- Trước nỗi lo “được mùa - mất giá”, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều vùng chuyên canh, Hà Nội sẽ hỗ trợ nông dân khâu tiêu thụ ra sao, thưa ông?


- Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tăng cường liên kết, xúc tiến, giới thiệu, quảng bá nông sản Thủ đô qua rất nhiều kênh. Mới đây, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội. Trong nghị quyết này, thành phố đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ nông dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành quyết định để cụ thể hóa nghị quyết này.

- Vậy để ngành Nông nghiệp phát triển như kỳ vọng trong năm 2019 này, Hà Nội sẽ có giải pháp mang tính đột phá nào?


- Hà Nội tiếp tục chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Dù đã xây dựng được 127 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên các vùng này đang khó khăn bởi diện tích chưa tập trung, còn manh mún, nhỏ lẻ... Vì thế, Hà Nội rất khó thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao...

Để không “nằm ngoài” xu thế nông nghiệp hiện đại, Hà Nội tập trung phát huy lợi thế vùng miền về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây, con đặc sản... Đồng thời, Hà Nội chú trọng hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp quy mô nhỏ, hộ nông dân... có điều kiện ứng dụng công nghệ cao. Trước hết, với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, chúng tôi vận động bà con trong một hợp tác xã cùng sản xuất một sản phẩm thế mạnh (rau, hoa, cây ăn quả...) có ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp liên kết với nông dân để tư vấn về quy trình, kỹ thuật cùng với ngành Nông nghiệp tạo những chuỗi sản phẩm có giá trị cao...

- Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội có lợi thế nông nghiệp ven đô, nông nghiệp sinh thái... Vậy, Hà Nội có giải pháp gì nhằm khai thác thế mạnh này, thưa ông?


- Những năm qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch đã ra đời và hoạt động hiệu quả, góp phần quảng bá, tăng sức tiêu thụ nông sản của địa phương. Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng chương trình phối hợp giữa các sở, ngành liên quan như: Sở Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo... trong phát triển du lịch nông nghiệp. Sở NN&PTNT đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất... đầu tư vào nông nghiệp theo hướng kết hợp du lịch. Các hoạt động đầu tư này sẽ được thành phố, các ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, nguồn lực, giống...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp công nghệ cao là khâu đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.