Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân loay hoay

Minh - Thanh| 03/08/2011 06:48

(HNM) - Tại thời điểm này, người chăn nuôi có lợi nhuận rất cao do giá lợn hơi đang ở mức kỷ lục. Theo lẽ thường, đây là điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi tích cực đầu tư thu lãi cao. Thế nhưng, họ vẫn tỏ ra dè chừng, ngại tái đàn…

Người chăn nuôi đang dè chừng với việc tái đầu tư do lo sợ dịch bệnh có thể xảy ra trong những tháng cuối năm. Ảnh: Trung Kiên


Giá thịt lợn lập kỷ lục mới

Cuối tháng 7, đầu tháng 8, giá thịt lợn trên thị trường có giá cao: thịt thăn 140.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 120.000 đồng/kg, xương sườn 130.000 đồng/kg. Lợn hơi xuất chuồng giá từ 70.000-73.000 đồng/kg, là mức cao nhất từ trước đến nay, cùng kỳ năm 2010 là 34.000 đồng/kg. Ông Lê Văn Thính, HTX Chăn nuôi Hưng Thịnh, xã Vật Lại, huyện Ba Vì cho biết: "Với giá lợn hơi từ 70.000-73.000 đồng/kg, trừ chi phí giống, thức ăn, thú y, công lao động... người chăn nuôi có thể lãi từ 2,3 đến 2,6 triệu đồng/con lợn. Đây là mức lãi "trong mơ" của người nuôi lợn, vì trước đây mức lãi chỉ khoảng từ 200-500 ngàn đồng/con lợn đạt 100kg.

Theo ông Lê Văn Thính, xã Vật Lại (Ba Vì, Hà Nội), từ đầu năm đến nay, đàn lợn 100 nái và 300 con thương phẩm đã mang lại cho gia đình ông lãi trên 430 triệu đồng; năm nay cơ sở của ông bán lợn giống là chính, nếu nuôi lợn thịt hết thì gia đình có lãi nhiều hơn. Công ty CP Dịch vụ chăn nuôi Hoàng Long trên địa bàn xã Tân Ước, huyện Thanh Oai cũng làm ăn phát đạt trong bối cảnh giá lợn hơi leo thang, với tổng đàn 3.000 con nái ngoại, thu lãi cả tỷ đồng; anh Nguyễn Trọng Long, Giám đốc công ty nhận định: Sau đợt dịch bệnh đầu năm nay, các cơ sở chăn nuôi lớn tập trung, xa dân cư, đều giữ đàn tốt.

Mặc dù tổng đàn lợn trên địa bàn Hà Nội có gần 1,7 triệu con lợn và hơn 17 triệu gia cầm, nhưng mới đáp ứng 50-60% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô. Do nguồn cung thịt lợn hiện đang khan hiếm, để thu mua được hàng, các lái buôn đã đẩy giá từ 60.000 đồng/kg lợn hơi hồi đầu tháng 6 lên tới 70.000- 73.000 đồng/kg thời điểm đầu tháng 8.

Người nuôi không thiết tha tái đàn?

Những trang trại chăn nuôi lợn ngoại theo hướng công nghiệp, bảo đảm vệ sinh, thú y tốt mới thu được lợi nhuận cao. Ngược lại, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, phòng trừ dịch bệnh kém, đàn lợn mắc dịch là coi như "mất cả gốc và lãi", vì vậy hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ngại tái đàn. Các anh Chu Văn Tý, Phùng Quang Thanh, Lê Văn Thính… xã viên HTX Hưng Thịnh (huyện Ba Vì) cho biết, nguyên nhân hộ chăn nuôi không thiết tha tái đàn do đất dành cho chăn nuôi tập trung ít; phương thức chăn nuôi lợn giống ngoại, giống nội khác nhau, hộ dân chưa nắm vững cách nuôi lợn giống ngoại. Đối với nuôi lợn nội (chủ yếu hộ nhỏ lẻ) một con lợn nội ăn 28kg cám tổng hợp mới tăng trọng được 8kg lợn hơi, lợi nhuận thấp, chỉ cần vài con bị nhiễm bệnh là sẽ lây lan hàng loạt, người chăn nuôi vẫn bị lỗ nặng. Mặt khác, chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư dịch bệnh luôn tiềm ẩn; người nuôi chưa chú trọng công tác thú y. Nuôi lợn ngoại theo phương pháp công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, quy mô chuồng trại phải bảo đảm tiêu chuẩn tốt, một con lợn giống ngoại ăn 25kg cám tổng hợp là tăng trọng 10kg lợn hơi.

Giá lợn thịt tăng cao, người nuôi vui mừng vì lãi cao. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề tăng đàn lợn vụ tiếp theo thì hầu như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở ngoại thành Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đều tỏ ra dè chừng, nhiều hộ để trống chuồng, số đầu lợn giảm.

Đợt dịch lợn tai xanh cuối năm 2010, đầu năm 2011 đã khiến nhiều hộ chăn nuôi lao đao, phải nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ với lãi suất ngân hàng cao, ngân hàng thu hẹp các khoản vay, đã làm cho nhiều hộ, trang trại phải cân nhắc kỹ phương án đầu tư. "Dù thịt lợn đang ở mức cao, nếu đi vay ngân hàng thương mại lên tới trên 20%/năm thì chúng tôi cũng khó có thể tái đàn", anh Đặng Đình Tiên, chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ khẳng định.

Theo Cục Chăn nuôi kết quả khảo sát sơ bộ tại một số địa phương cho thấy, có từ 10-30% số hộ chăn nuôi nhỏ để trống chuồng, còn hệ thống trang trại lớn không mở rộng sản xuất. Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá thịt lợn tăng là do cung không đủ cầu, sản xuất không đáp ứng được thị trường. Do dịch bệnh từ cuối năm 2010 kéo sang đầu năm 2011 khiến tổng đàn giảm 3,7% và đặc biệt đàn lợn nái giảm đến 8,6%. Trước tình hình trên, Cục Chăn nuôi và doanh nghiệp chăn nuôi kiến nghị Chính phủ nên có chính sách ưu tiên cho chăn nuôi để ngành này phát triển. Có chính sách bình ổn giá riêng cho chăn nuôi trong một thời gian nhất định; Chính phủ chỉ đạo để các ngân hàng có lãi suất, cơ chế vay hợp lý, đồng thời giãn nợ, khoanh nợ để phát triển chăn nuôi. Trường hợp có dịch bệnh thì công tác hỗ trợ sau dịch cũng được làm khẩn trương, công khai, minh bạch, với giá hỗ trợ hợp lý trong toàn khu vực đủ để người nông dân tái đàn.

Trong ngành chăn nuôi đang tồn tại hai hình thức chăn nuôi khá phổ biến là nuôi lợn nội nhỏ lẻ trong khu dân cư và nuôi lợn ngoại theo phương pháp công nghiệp. Giá của 2 loại này cũng chênh lệch nhau từ 5.000-8.000 đồng/kg. Đối với các hộ chăn nuôi công nghiệp, quy mô đàn từ 50 con đến cả chục nghìn con thì các chi phí đầu vào khá cao, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi, hiện nay giá các loại thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt có giá bình quân gần 12.500 đồng/kg, (tăng trên 30% so với năm 2010). Hơn nữa, hiện nay, dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn. Nếu nuôi với số lượng lớn, từ 50-100 con lợn thương phẩm phải đầu tư ban đầu giống, thức ăn từ 100 đến 200 triệu đồng, trung bình 2 triệu đồng/con. Nếu hộ nào vừa xuất chuồng thắng lớn thì việc lo vốn cho tái đàn không khó khăn nhưng nếu liên tiếp chăn nuôi lỗ nặng từ cuối năm ngoái đến nay thì khó có thể xoay xở vốn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân loay hoay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.