Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân khóc ròng, người tiêu dùng chịu thiệt

Ngọc Quỳnh| 07/01/2017 07:36

(HNM) - Chỉ còn chưa đầy 20 ngày là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Nếu như mọi năm, đây là thời điểm thu lãi lớn của các hộ chăn nuôi lợn trong cả nước. Tuy nhiên, khoảng hơn một tuần nay, giá lợn hơi xuất chuồng giảm ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua khiến các hộ nuôi đứng ngồi không yên.

Nỗi buồn cuối năm

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh đang ở mức thấp do nguồn cung dồi dào và thương lái Trung Quốc giảm mua. Cụ thể, giá lợn hơi ở các tỉnh miền Nam chỉ còn dưới 30.000 đồng/kg, còn ở các tỉnh phía Bắc như: Hưng Yên, Hải Dương còn 28.000-29.000 đồng/kg. Đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua khiến người chăn nuôi lao đao. Theo tính toán của các hộ dân, nếu nuôi lợn hòa vốn phải bán được giá 38.000 đồng/kg, vì vậy với mức giá như hiện nay người dân lỗ nặng.

Giá lợn hơi giảm khiến các hộ chăn nuôi “đứng ngồi không yên”. Trong ảnh: Chăm sóc đàn lợn tại HTX Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai). Ảnh: Bá Hoạt



Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng nhận định, năm 2016, thị trường thịt lợn hơi có nhiều biến động trái chiều: Thời điểm đầu năm, giá lợn tăng đột ngột lên hơn 50.000 đồng/kg, người nuôi lợn lãi lớn nên nhiều hộ đổ xô vào chăn nuôi khiến nguồn cung tăng mạnh. Năm 2015, cả nước có 27,8 triệu con lợn thì nay có khoảng 29,1 triệu con, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 60-70% nên xảy ra tình trạng dư thừa. Không những thế, sản phẩm thịt lợn của Việt Nam chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước theo đường chính ngạch, thương lái thường tìm cách xuất theo đường tiểu ngạch vào Trung Quốc nên bị phụ thuộc.

Là hộ chăn nuôi có lợn chuẩn bị xuất chuồng, anh Nguyễn Tiến Hậu (huyện Thanh Oai, Hà Nội) buồn rầu cho biết, đầu năm 2016 khi giá lợn hơi lên cao, gia đình nhập 20 con về nuôi, sau hơn 3 tháng bán lãi được 60 triệu đồng nên tháng 9 bắt đầu nuôi lứa mới 30 con để bán dịp Tết. Hiện lợn đã đến kỳ xuất chuồng nhưng thương lái chỉ trả hơn 30.000 đồng/kg lợn hơi, chưa đủ hòa vốn mà vẫn phải bán vì càng nuôi càng lỗ.

Vai trò bình ổn thị trường ở đâu?

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc người chăn nuôi thực hiện tái đàn không gắn với nhu cầu tiêu thụ và phát triển không theo quy hoạch khiến cho cảnh được mùa rớt giá liên tiếp xảy ra. Để ngăn chặn tình trạng này, hằng năm Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đều có văn bản gửi Sở NN&PTNT các tỉnh cảnh báo và khuyến cáo người dân không nên tăng đàn ồ ạt, kể cả thời điểm giá lợn tăng cao vì đầu ra của thịt lợn chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên rất bấp bênh. Để tháo gỡ vấn đề này, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch trình Chính phủ cho phép thương thảo với Trung Quốc, thỏa thuận hợp tác xuất khẩu lợn theo con đường chính ngạch.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khuyến cáo, thời điểm trước mắt, các tỉnh, thành phố cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi thu mua lợn cho nông dân với giá cả phù hợp, bảo đảm có lãi thông qua các cửa hàng tiện ích, siêu thị. Nhà nước cần hỗ trợ tiền thuê cửa hàng, lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia mua lợn cho nông dân để giải quyết bài toán tiêu thụ.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia tiếp tục khuyến cáo các địa phương cần rà soát lại quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và nguồn thịt nhập khẩu, tránh tình trạng nơi nào cũng quy hoạch dẫn tới dư thừa nguồn cung. Để chăn nuôi lợn phát triển ổn định, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các đơn vị của Ngành Nông nghiệp cần hướng dẫn người dân thay đổi cơ cấu giống, tổ chức lại sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và kiểm soát được chất cấm trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, trên thị trường có nghịch lý là, giá lợn hơi xuất chuồng đang giảm thì tại các chợ, siêu thị ở Hà Nội giá vẫn ở mức cao do thị trường này luôn bị thương lái "làm giá". Điều đó cũng cho thấy, những bất cập trong quá trình điều tiết, lưu thông thị trường vốn đã tồn tại từ lâu đến nay hầu như chưa được cải thiện. Vai trò của các đơn vị tham gia “bình ổn giá”, vốn được hưởng nhiều ưu đãi về lãi suất vay dịp Tết lại hầu như không có tiếng nói trên thị trường. Điều này khiến người chăn nuôi và người tiêu dùng “thiệt đơn, thiệt kép”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân khóc ròng, người tiêu dùng chịu thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.