(HNM) - Từ khi được phổ biến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tại các lớp học do Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức, chị Hoài ở Văn Võ (Chương Mỹ) yên tâm đầu tư sản xuất. Còn trẻ, lại xác định cả đời sẽ gắn bó với ruộng đồng nên chị Hoài rất cần kiến thức để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao giá trị hàng nông sản.
Từ xưa đến nay, chị Hoài cùng với bà con nông dân chỉ biết cày sâu cuốc bẫm, làm chắc hai vụ lúa chiêm, mùa. Trồng cây gì, nuôi con gì thì cứ mông lung, thấy người ta làm gì là mình làm nấy. Nay trồng cái này, mai không đạt hiệu quả lại quay sang cái khác, chả cần quy hoạch, kế hoạch gì sất. Cứ đua nhau đi trồng, đến lúc bán không ai mua, cho không ai lấy, lại chặt. Thì đấy, bài học rớt giá thê thảm do ồ ạt trồng cây thanh hao hoa vàng ở Mỹ Đức, trồng nấm ở Minh Đức (Ứng Hòa), tỏi ở Mê Linh... đã gây lãng phí không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức. Từ khi được học các lớp dạy làm nghề nông, chị Hoài và nhiều nông dân khác biết cách bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tránh nghịch cảnh được mùa rớt giá.
Chị Hoài khẳng định, từ khi được học cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chị đã phân biệt được công dụng của từng loại thuốc, nhận biết các loại thiên địch đối với cây trồng ở từng giai đoạn sinh trưởng. Áp dụng những điều đã học vào sản xuất, nông dân đã giảm được chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Chị Hoài bảo, người nông dân cả đời gắn bó với ruộng vườn nên rất muốn được học các lớp dạy nghề nông vì làm nông nghiệp đối với bà con là quan trọng nhất. Khi có kiến thức rồi, chắc chắn lối làm ăn tùy tiện, mạnh ai nấy làm, điệp khúc "trồng rồi lại chặt" sẽ không còn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.