(HNM) - “Trồng rau có thể làm giàu” - đó là lời quả quyết của ông Hoàng Văn Khảm - Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) khi dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Với kế hoạch sản xuất bài bản, khoa học công nghệ được ứng dụng vào các khâu, những nông dân ở vùng trồng rau này đang giàu lên từng ngày.
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn sản xuất theo quy trình VietGAP. Ảnh: Khuê Diệp |
Bên những luống cải canh xanh mướt trên cánh đồng dưới nắng hè gay gắt, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Khảm tự hào: "Mùa này trồng cải canh là trái vụ nên năng suất chỉ bằng 60-70% so với đúng vụ, nhưng bù lại, giá bán rất cao, ở mức 12.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với chính vụ; các loại cải ngồng, cải ngọt cũng 10.000 đồng/kg...".
Tại ruộng cà chua có diện tích 1.000m2 với hệ thống tưới tự động, những thân cây khỏe khoắn vươn lên nhờ được ghép từ những gốc cà tím. Từ kỹ thuật ghép này mà cây có khả năng chống sâu bệnh tốt, thời gian thu hoạch kéo dài 6 tháng (nhiều hơn 3 tháng so với cà chua thường). "Đây là ruộng cà chua công ích do thành viên hợp tác xã trực tiếp đóng góp ngày công lao động, lợi nhuận thu được cho vào quỹ chung. Chúng tôi xây dựng ruộng mẫu này nhằm trình diễn kỹ thuật mới cho bà con học tập" - ông Khảm cho biết thêm...
Được thành lập từ tháng 5-2016, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn có 29 thành viên, sản xuất trên diện tích 15ha theo quy trình VietGAP. Nhiệm vụ của lãnh đạo Hợp tác xã là xây dựng kế hoạch sản xuất và thu mua 100% sản phẩm cho xã viên. Ngược lại, xã viên có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch sản xuất đã hoạch định.
Vì có kế hoạch sản xuất bài bản nên khi rau ngoài chợ giá rẻ đến mức thấp như "đổ đi" thì hợp tác xã vẫn thu mua cho bà con theo đúng giá đã cam kết. Ông Hoàng Tiến Chiến - một hộ trồng rau cho biết, nhà ông có 3 sào rau, mỗi tháng thu lãi được 10 triệu đồng. Còn theo ông Hoàng Văn Khảm, tháng 6 vừa qua, gia đình ông thu lãi 40 triệu đồng...
"Trồng rau trái vụ thu nhập cao hơn, nhưng nếu thiếu công nghệ sẽ không thể hiệu quả. Trước đây, rau cải không thể trồng vào mùa hè vì thời tiết mưa nhiều, cây dễ giập nát. Nắm được đặc điểm này, chúng tôi đã xây dựng nhà lưới để khi mưa xuống, lưới sẽ “xé nhỏ” hạt mưa, giảm sức gió nên cây vẫn phát triển tốt" - Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn chia sẻ kinh nghiệm...
Từ hiệu quả đó, đến nay, Hợp tác xã đã đầu tư hơn 5.000m2 hệ thống nhà màng, nhà lưới; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel và khoan 2 giếng công nghiệp lớn để chủ động nguồn nước sạch cho sản xuất.
Hợp tác xã cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Chương Mỹ được tiếp cận công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết vào sản xuất rau an toàn. Trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành, từ đây, người phụ trách dễ dàng cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem, nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa, độ ẩm của đất… giúp nông dân chủ động sản xuất.
Hiện toàn bộ rau của Hợp tác xã được ký hợp đồng tiêu thụ ổn định tại 3 bếp ăn tập thể của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Bệnh viện Nội tiết trung ương; hệ thống siêu thị và một số công ty của Nhật Bản... Chính việc làm chủ công nghệ tiên tiến cùng nguồn tiêu thụ ổn định, chuyện làm giàu của người nông dân ở vùng quê Chúc Sơn đến nay không còn quá khó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.