(HNM) - Việc đưa hệ thống giám sát giao thông bằng hình ảnh hiện đại và đồng bộ vào hoạt động từ cuối năm 2014 của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội đã mang lại hiệu quả tích cực. Cùng với công tác tuyên truyền, việc triển khai bước đầu biện pháp này đã giúp nâng cao ý thức chấp hành trật tự kỷ cương,
Trung tâm điều khiển giao thông của Hà Nội. |
Góp phần giảm tai nạn giao thông
Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, trong dịp nghỉ Tết vừa qua, trên đường bộ xảy ra 525 vụ tai nạn giao thông làm chết 308 người, bị thương 505 người; đường sắt xảy ra 10 vụ làm chết 9 người, bị thương 3 người; đường thủy nội địa xảy ra một vụ làm bị thương 1 người. So với cùng kỳ năm ngoái, đã giảm 40 vụ tai nạn giao thông và 82 người bị thương nhưng lại tăng 35 người chết. 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã làm 14 người chết, 1 người bị thương. Còn số liệu của Bộ Y tế cho biết, số người nhập viện vì tai nạn giao thông tăng vọt trong những ngày Tết. Cụ thể, trong hơn 35.000 ca tai nạn giao thông đến khám thì có hơn 4.000 trường hợp chấn thương sọ não và 193 người tử vong do tai nạn giao thông…
Trong bức tranh ảm đạm đó, Hà Nội được ghi nhận. Thống kê 9 ngày nghỉ Tết vừa qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 11 người chết và 8 người bị thương. So với năm 2014, số vụ giảm 50% (10 vụ), số người chết giảm 10 người (47,6%), số người bị thương giảm 4 người (33,3%)… giảm 50% cả về số vụ và số người chết. Có nhiều nỗ lực để đạt được kết quả này, trong đó có việc đưa vào sử dụng hệ thống giám sát giao thông bằng hình ảnh và tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc xử lý vi phạm giao thông thông qua hình thức phạt "nguộị". Trên các tuyến đường chính ngoài hệ thống camera giám sát do thành phố trang bị cho ngành giao thông và giao CSGT Công an Hà Nội quản lý còn có hệ thống camera của kênh VOV giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam). Hai hệ thống camera này đã hỗ trợ nhau trong việc giảm thiểu ùn tắc và kiềm chế tai nạn giao thông. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội chia sẻ: "Từ việc theo dõi qua hệ thống camera giám sát, chúng tôi cũng tiến hành nhiều biện pháp kiên quyết, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm nên hiệu quả được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, từ ngày 19-1 đến 28-2 vừa qua, CSGT Hà Nội đã xử lý 69 trường hợp vi phạm qua camera giao thông. Trong đó, đội CSGT số 2 phạt 32 trường hợp; Đội CSGT số 4 phạt 8 trường hợp và Đội CSGT số 14 phạt 29 trường hợp…". Anh Nguyễn Gia H ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng người đã bị xử lý qua camera thừa nhận lỗi vi phạm và vui vẻ nộp phạt. Anh H cho biết đây là bài học kinh nghiệm để không bao giờ xảy ra lỗi tương tự và sẽ nhắc nhở mọi người trong gia đình chấp hành tốt Luật giao thông đường bộ.
Thêm phương tiện phát hiện tội phạm
Theo Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1, cũng từ việc triển khai phạt nguội, cơ quan chức năng phát hiện thêm nhiều trường hợp sử dụng xe gian lận để chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Trung tá Quỹ cho biết: "Cuối năm 2014, đơn vị đã chuyển cho cơ quan điều tra, CA Hà Nội nhiều trường hợp xe ô tô hạng sang đeo BKS "giả". Những chiếc xe này đều được phát hiện thông qua việc xử lý phạt nguội khi dừng đỗ xe trái quy định gây ùn tắc giao thông.". Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1 còn kể một trường hợp từ phạt nguội lần ra cả đường dây tiêu thụ xe sang. Đó là trường hợp chủ nhân của chiếc Aucra BKS 30P-68… đang đi trên phố Núi Trúc, Ba Đình phát hiện một chiếc xe giống hệt xe của mình, kể cả BKS đã lập tức báo cơ quan chức năng. Trung tá Ngọc lúc đó còn là Đội phó Đội CSGT số 2 đã lập tức cử cán bộ chiến sĩ tới hiện trường yêu cầu chủ xe làm việc. Hôm sau, chủ xe tới cơ quan chức năng mang theo đầy đủ đăng ký của chiếc xe siêu sang. Nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, các chiến sĩ công an đã phát hiện chiếc xe được làm giả tinh vi từ BKS cho đến giấy đăng ký. Hồ sơ đã được bàn giao cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội làm rõ.
Hạn chế tình trạng ùn tắc
Cũng theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, nhờ hệ thống camera giám sát này nên công tác chống ùn tắc trước và sau Tết được bảo đảm. Cùng với việc huy động hết quân số lập chốt xử lý tình huống, Phòng CSGT Hà Nội còn thành lập các đội cơ động, mỗi đơn vị 8-12 chiến sĩ sử dụng xe phân khối lớn tuần tra kiểm soát, phối hợp với trung tâm điều khiển tín hiệu đèn giao thông phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông.
Hiện tại, Hà Nội đã có 360/450 camera được lắp tại các nút giao thông trung tâm, trong đó 78 camera chuyên ghi lại hình ảnh phương tiện tham gia giao thông vi phạm để xử phạt. Qua 6 tháng triển khai lắp đặt kết hợp với công tác tuyên truyền, đến nay ý thức tham gia giao thông của người dân đã chuyển biến rõ rệt. Anh Trương Việt Khánh ở quận Thanh Xuân cho biết, từ khi có thông tin về việc lắp đặt hệ thống camera ở các nút giao thông bản thân tôi cũng tự thấy việc chấp hành luật lệ giao thông tốt hơn để không mắc lỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, nếu để xảy ra lỗi camera ghi lại chuyển về cơ quan hay khu phố thì rất xấu hổ.
Thiếu tá Phạm Quang Minh - Đội phó Đội Điểu khiển đèn tín hiệu giao thông, CATP Hà Nội, dự án "nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi giai đoạn 1" được thành phố đưa vào chương trình mục tiêu chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2012-2015, mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng đã mang tới nhiều ưu việt. Hệ thống camera có thể phát hiện phương tiện vi phạm và chụp lại biển số với hình ảnh rõ nét, thông tin đầy đủ và chính xác.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội khẳng định, giai đoạn 1 sẽ có 29 bộ camera quan sát tại 29 nút giao thông, 156 bộ camera đếm lưu lượng tại 41 nút và 35 bộ camera xử lý vi phạm tại 10 nút giao thông trọng điểm được lắp đặt. Khi hệ thống hoàn thiện, CSGT có thể điều khiển dễ dàng thiết bị camera theo dõi ở từng vị trí trên các trục đường, truyền dữ liệu về trung tâm và cập nhật vào hệ thống máy chủ. Tất cả dữ liệu đó sẽ được lưu giữ trong thời gian nhất định để phục vụ công tác điều tra phá án khi có yêu cầu. Đồng thời, hệ thống cũng giúp CSGT theo dõi, điều tiết giao thông trong những cung giờ nhất định. Khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, việc giảm tải ùn tắc và tai nạn giao thông tại địa bàn Thủ đô sẽ được lực lượng chức năng thực hiện triệt để. Việc xử lý các trường hợp vi phạm giao thông cũng sẽ thuận lợi và khách quan hơn, giảm bớt được tình trạng vi phạm của người tham gia giao thông.
Đối với ùn tắc cục bộ xảy ra vào đầu giờ sáng 9-3, một lãnh đạo Đội CSGT số 7 cho biết, hàng ngày vào khoảng 7h30 - 8h khu vực cầu vượt Nguyền Trãi - Trường Chinh lượng người tham gia giao thông tăng đột biến do lượng phương tiện cùng đổ ra đường để đến công sở, ai cũng muốn lưu thông vào nội đô qua cầu vượt. Sáng 9-3, cũng xảy ra trường hợp tương tự, thêm nữa, mưa phùn và là ngày đầu tuần đi làm nên khiến cho ùn tắc càng kéo dài. Khu vực này cũng chưa được lắp đặt camera giám sát. Để khắc phục tình trạng này, hàng ngày, vào giờ cao điểm (từ 6 - 9h), Đội CSGT số 7 vẫn bố trí cán bộ, chiến sĩ phân luồng giao thông. Thông qua báo Hànộimới Đội CSGT số 7 khuyến cáo các phương tiện lưu thông qua khu vực trên vào giờ cao điểm cần tuân thủ hướng dẫn của lực lượng CSGT, nếu không có việc cần thiết, hạn chế di chuyển vào thời gian này. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.