Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi thông, nơi tắc

Nhóm phóng viên| 11/02/2019 06:47

(HNM) - Trong ngày 10-2 (mùng 6 tháng Giêng), ngày nghỉ cuối cùng của Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, giao thông tại các tuyến đường vào Hà Nội đã bớt áp lực hơn so với ngày 9-2. Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra ở các cửa ngõ…

Giao thông tại Thủ đô Hà Nội sau Tết không xảy ra hiện tượng ùn tắc kéo dài. Trong ảnh: Cửa ngõ phía Nam Hà Nội, đoạn từ Ngọc Hồi về Bến xe Nước Ngầm chiều mùng 6 Tết. Ảnh: Trần Thanh


Giao thông Hà Nội: Không "nóng" như dự báo

Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm 10-2, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và quốc lộ 1 qua địa bàn Hà Nội đã đón nhận hàng nghìn lượt phương tiện trở về thành phố sau kỳ nghỉ lễ. Mặc dù càng về cuối ngày, phương tiện gia tăng theo thời gian nhưng do lưu lượng không cao nên đã không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.

Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) cho biết, do năm nay kỳ nghỉ Tết kéo dài, người dân đã chủ động quay trở lại thành phố từ những ngày trước đó nên đã giảm tải cho ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ. Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã xử lý phân luồng xe linh hoạt nên không bị tắc nghẽn kéo dài như trong ngày 9-2.

Đồng thời, lực lượng chức năng đã khuyến cáo chủ các phương tiện chủ động di chuyển qua các tuyến đường phụ cận để trở về thành phố nên áp lực giao thông lên khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố đã không còn lớn như những ngày trước.

Anh Mai Quang Huy (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: "Gia đình tôi về quê từ ngày 28 Tết và ngày 10-2 trở lại Hà Nội để bắt đầu một năm làm việc mới. Cả nhà đã chuẩn bị tâm thế sẽ tắc đường ở nút giao Pháp Vân và đường vành đai trên cao khi đi vào thành phố nhưng sự việc không diễn ra như cảnh báo, việc đi lại khá thuận lợi so với ngày thường".

Trong khi đó, tại các bến xe, không khí trở lại Thủ đô sau kỳ nghỉ lễ dài ngày cũng diễn ra vô cùng nhộn nhịp song không đến mức quá tải. Tại các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình, hầu hết các xe khi về bến đều không còn một chỗ trống.

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), nhìn chung cả 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, tình trạng ùn tắc giao thông đã không diễn ra nghiêm trọng như lo ngại, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn được bảo đảm tốt hơn, khi tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2018.

Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) thông tin thêm, trong ngày 10-2, đơn vị tập trung lực lượng điều hành, hướng dẫn giao thông tại 15 tuyến quốc lộ, 391 nút giao thông trọng điểm để bảo đảm cho người dân di chuyển thông suốt, an toàn về thành phố sau kỳ nghỉ Tết.

Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng bị ùn khoảng 1km do phương tiện gia tăng. Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, ước tính có khoảng 100.000 lượt xe lưu thông qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ùn tắc trên tuyến cao tốc này chỉ có thể giảm nếu các cơ quan chức năng sớm triển khai dự án cải tạo đồng bộ nút giao Pháp Vân.

TP Hồ Chí Minh: Ùn tắc giao thông cửa ngõ

Theo ghi nhận tại các tuyến đường cửa ngõ phía Đông TP Hồ Chí Minh như quốc lộ 1A, quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội, Đinh Bộ Lĩnh, Phạm Văn Đồng…, lượng phương tiện đổ về thành phố đông đúc bắt đầu từ chiều thứ sáu (ngày 8-2) và tăng đột biến từ thứ bảy đến chủ nhật (ngày 9 và 10-2).

Đặc biệt, giao thông trên tuyến quốc lộ 1A từ các tỉnh miền Tây hướng về TP Hồ Chí Minh như cầu Mỹ Thuận (giao giữa tỉnh Vĩnh Long hướng về Tiền Giang), địa phận qua huyện Bến Lức, tỉnh Long An... bị kẹt xe nhiều giờ liền. Trong khi đó, tại cửa ngõ phía Tây như các tuyến đường qua Khu công nghiệp Tân Tạo, khu vực trạm thu phí An Sương - An Lạc, tỉnh lộ 10, 22, Võ Văn Kiệt…, lượng phương tiện đổ về TP Hồ Chí Minh khá đông gây ùn tắc cục bộ tại một số điểm.

Tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), ghi nhận vào thời điểm sáng, trưa 10-2, lượng phương tiện đổ về bến bắt đầu tăng nhanh, nhưng do chuẩn bị trước các phương án dự phòng cũng như tăng cường, phối hợp giữa các lực lượng nên giao thông trong và ngoài bến được bảo đảm.

Tương tự, tại khu vực trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), Ga Sài Gòn (quận 3), Bến xe An Sương (quận 12), Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), người dân di chuyển chậm trên một số điểm ùn ứ cục bộ do lượng phương tiện tăng cao.

Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, chiều tối thứ bảy và chủ nhật (ngày 9 và 10-2) là giai đoạn cao điểm phục vụ hành khách của bến xe. Để bảo đảm phục vụ hành khách tốt nhất, các bến xe lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều yêu cầu các đơn vị vận tải tăng cường giải tỏa khách, tránh ùn ứ. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cũng đã chuẩn bị phương tiện xe buýt từ 30 chỗ trở lên để tăng cường giải tỏa khách tại Bến xe Miền Tây và các bến xe liên tỉnh khác khi cần thiết.

Trong khi đó, hai bến phà lớn nhất TP Hồ Chí Minh (nối với tỉnh Đồng Nai) cũng chủ động đưa ra kế hoạch phục vụ người dân đi lại sau Tết. Ông Nguyễn Tấn Hảo, Phó Giám đốc Xí nghiệp Phà Bình Khánh thông tin, lượng khách qua phà tăng 5-7% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, bến huy động 8 phà phục vụ khách, trong đó có 2 phà lớn chở được từ 300 đến 400 khách/phà.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Phà Cát Lái, lượng khách qua phà sẽ tăng trên 5% so với cùng kỳ. Bến sẽ huy động 7 phà lớn phục vụ khách sau Tết, với khoảng từ 260 đến 280 chuyến/ngày.

Để bảo đảm an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, bến phà, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh thông tin, Sở đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, bảo đảm trật tự giao thông xung quanh các bến xe. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông nhằm chủ động các phương án giải tỏa ùn tắc trên các điểm nóng về giao thông, bảo đảm cho người dân trở lại thành phố thuận lợi và an toàn.

Trong kỳ nghỉ Tết, toàn quốc xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông làm chết 183 người, bị thương 241 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 274 vụ tai nạn giao thông làm chết 181 người, bị thương 241 người; đường sắt xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm chết 2 người; đường thủy không xảy ra tai nạn giao thông.
Trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nơi thông, nơi tắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.