Theo dõi Báo Hànộimới trên

Noi theo gương Bác

Mai Hoa| 20/05/2015 06:50

(HNM) - Có thể cảm nhận rõ tình người ấm áp, niềm vui về một đất nước thanh bình, ổn định, phát triển với rất nhiều tấm gương sáng trong học tập và lao động khi đến với triển lãm


- Thưa bà, hẳn không phải ngẫu nhiên trong rất nhiều đề tài, Bảo tàng lại chọn đề tài "Những tấm gương bình dị mà cao quý" cho đợt trưng bày dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh nhật Bác?

- Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, với sự hỗ trợ của Ban Tuyên giáo 63 tỉnh, thành và 4 Đảng bộ trực thuộc, tổ chức triển lãm nhiều ý nghĩa này. Chúng ta biết rõ rằng, 4 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị, phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang trở thành việc làm thường xuyên, thiết thực, đi vào chiều sâu cuộc sống thực tế đối với mỗi cá nhân, mỗi tổ chức trong cả nước. Năm nay, BTC quyết định tổ chức triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" vào đúng dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh nhật Bác, nhằm giới thiệu 125 tấm gương điển hình tiên tiến đã và đang noi gương Bác, lập thành tích trong học tập và lao động, góp sức vào sự phát triển của đất nước. BTC mong muốn lan tỏa, nhân lên những tấm gương sáng ấy để xã hội ngày càng tươi đẹp hơn. Và đó thực sự là món quà ý nghĩa kính dâng lên Bác.

Các đại biểu xem triển lãm. Ảnh: Tuấn Sơn


- Bà có thể cho biết tiêu chí nào để chúng ta chọn ra 125 tấm gương điển hình giới thiệu dịp này?

- Chúng tôi chọn 53 tập thể và 72 cá nhân trong số hơn 400 tấm gương mà các đơn vị giới thiệu. Tiêu chí đặt ra là giới thiệu đại diện người tốt, việc tốt tiêu biểu, mang tính chất đại diện của cả 63 tỉnh, thành, như một biểu hiện rằng ở bất cứ đâu, chúng ta đều có những tấm gương sáng đang nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, năng động và sáng tạo. Các đại diện được vinh danh được lựa chọn trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là khoa học kỹ thuật - vấn đề mang tính cốt yếu trong xây dựng và phát triển đất nước. Các tấm gương sáng ấy có mặt ở đủ lứa tuổi, từ thanh, thiếu niên cho đến người cao tuổi…

- Phía sau mỗi nhân vật, tập thể được vinh danh là một câu chuyện để chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều…

- Đúng vậy. Có cụ già 93 tuổi ở Sóc Trăng vẫn sống vì cộng đồng, quyên góp, nuôi dưỡng các em nhỏ khuyết tật. Có em nhỏ ở Lào Cai, như em Hà Thanh Trúc, sinh năm 2001 đã phải vượt qua biết bao khó khăn, không chỉ học giỏi mà còn giúp đỡ bạn bè, nuôi ước mơ trở thành cô giáo vùng cao để ngày càng giúp đỡ được nhiều bạn nhỏ nâng cao kiến thức, giúp đỡ cha mẹ, cộng đồng… Mỗi nhân vật là một câu chuyện cảm động dành cho khách tham quan, qua đó, góp phần tuyên truyền về những tấm gương, tạo sự cộng hưởng lớn trong cộng đồng.

- Tôi để ý thấy rất nhiều du khách nước ngoài đã đứng rất lâu ở khu trưng bày, lật những trang sách, ngắm những gương mặt tiêu biểu và lướt qua phần giới thiệu…

- Lượng khách đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh rất lớn, đặc biệt trong dịp này. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức dịch các nội dung giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng, đặc biệt là tiếng Anh để chia sẻ với du khách nước ngoài câu chuyện về những tấm gương này, qua đó, các bạn bè quốc tế sẽ hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam từ những hình ảnh rất đơn giản, bình dị trong cuộc sống đã góp phần làm nên sức mạnh, sự phát triển của Việt Nam.

- Bà có thể giới thiệu thêm những điểm nhấn đặc biệt của Bảo tàng trong dịp kỷ niệm đặc biệt này?

- Bên cạnh triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý", Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng khai mạc "Triển lãm Hồ Chí Minh - Người khơi nguồn sáng tạo" ngày 18-5, chọn trưng bày 79 tác phẩm xuất sắc, tương ứng với "79 mùa xuân" dâng Bác. Đó là các tác phẩm đậm chất sáng tạo, sinh động đầy chất nghệ thuật của các nhà văn, nhà thơ, nhà điêu khắc, nhà làm phim, nhân dân dâng tặng Bác. Đặc biệt, lần đầu tiên Bảo tàng tổ chức các hoạt động giúp các em thiếu nhi được trải nghiệm, vui chơi tại Bảo tàng thông qua các hoạt động học mà chơi, chơi mà học như: Giới thiệu phong trào thi đua yêu nước qua năm tháng, sự quan tâm chỉ đạo của Bác Hồ; tổ chức thi kể chuyện, hát, múa; xây dựng các trò chơi nhanh, khéo, vận động cả trí tuệ và sự vận động chân tay chính xác đầy hứng khởi và tràn đầy niềm vui. Các cán bộ Bảo tàng còn dạy các em tái chế, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích từ giấy báo cũ. Chúng tôi cũng mời nghệ nhân Phạm Quang Xuân dạy và hướng dẫn các em làm đôi dép cao su Bác Hồ. Các em được thử làm, mặc áo bộ đội leo dốc, leo núi bằng đôi dép cao su. Khách quốc tế tham quan Bảo tàng cũng rất vui khi xem các em tham gia leo núi với đôi dép cao su, qua đây họ hiểm thêm về đôi dép Bác Hồ, những kỷ niệm một thời...

- Từ nay đến cuối năm còn rất nhiều ngày lễ lớn. Bảo tàng Hồ Chí Minh hẳn sẽ còn những hoạt động gì hấp dẫn khác, thưa bà?

- Vào dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Bảo tàng sẽ tổ chức triển lãm về hình ảnh đất nước Việt Nam 70 năm qua với chủ đề "Mỗi kỷ vật một tấm lòng", vinh danh các cá nhân, tập thể đã hiến tặng Bảo tàng những kỷ vật của mình. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo "Bác Hồ với bản Tuyên ngôn độc lập", xây dựng chương trình phim giới thiệu Việt Nam - Đất nước - Con người…

- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Noi theo gương Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.