(HNMO) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân thành phố, trong đó, thông tin đang được dư luận quan tâm là “không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp công dân khi chưa xin phép”.
Vấn đề được đề cập bị hiểu thành “cấm”, trong khi mục đích ban hành quy định đã được khẳng định là nhằm hạn chế sự lạm dụng việc ghi âm, ghi hình với dụng ý xấu, qua đó xây dựng văn hoá ứng xử, giao tiếp đúng mực, văn minh, không chỉ với cán bộ tiếp dân mà còn cả với công dân đến làm việc.
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương đã áp dụng quy định này
Ngày 3-1, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân thành phố. Quyết định nêu trên được căn cứ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân và đề nghị của Trưởng ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội.
Những quy định trong Nội quy tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân thành phố Hà Nội nhằm mục đích tạo dựng môi trường giao tiếp văn minh cho người tiếp dân và công dân (ảnh minh họa). |
Nói rõ về quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”, ngày 8-1, thông tin đến báo giới về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tại tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình. Do đó, người dân khi có yêu cầu trích xuất hình ảnh về quá trình tiếp dân sẽ được đáp ứng và sẽ có trình tự thủ tục cho việc này. Trong trường hợp có nhu cầu ghi âm, ghi hình, người dân có thể trao đổi với cán bộ tiếp công dân.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng giải thích rõ, việc ban hành quy định này là nhằm hạn chế tình trạng một số người lợi dụng việc khiếu nại, bí mật ghi âm, ghi hình rồi cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng xã hội nhằm mục đích khác.
Trên thực tế, quy định nói trên không chỉ được áp dụng tại Hà Nội. Từ nhiều năm trước, một số địa phương trên cả nước cũng đã áp dụng những quy định tương tự. Ví dụ, tại TP Hải Phòng, Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân có quy định rõ: “Công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân không được tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân”. Tại trụ sở Tiếp công dân của TP Hồ Chí Minh cũng có nội quy: “Công dân không mang các vật dễ cháy, nổ, chất độc hại, hung khí vào nơi tiếp công dân; không tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, treo băng rôn, biểu ngữ khi chưa được sự cho phép của người có thẩm quyền”. Nhiều địa phương khác như Bình Phước, Đồng Nai, Hà Nam… cũng có quy định rất rõ về vấn đề này trong Nội quy tiếp công dân.
Trả lời báo chí, Trưởng ban Tiếp công dân trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành quy định không được quay phim, chụp ảnh tại trụ sở Tiếp công dân trung ương khi chưa được sự đồng ý của người phụ trách trụ sở.
Theo Trưởng ban Tiếp công dân trung ương, quy định được đưa ra nhằm bảo đảm sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đều mong muốn người dân giám sát, xem cán bộ tiếp dân thực hiện nhiệm vụ như thế nào. Tuy nhiên, trong thực tế, đã có một số công dân tới trụ sở tiếp dân ghi hình, phát trực tiếp trên mạng xã hội rồi có những lời lẽ bình luận không đúng mực, thậm chí lăng mạ cán bộ tiếp dân. Việc Hà Nội ban hành nội quy là đúng thẩm quyền.
Cần thái độ ứng xử, giao tiếp văn minh
Khi biết thông tin về việc thành phố Hà Nội ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân thành phố, ông Tạ Long, sống tại đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ, đây là quy định cần thiết để xây dựng môi trường giao tiếp văn minh, đúng mực, đúng luật pháp. Hơn nữa, theo ông Tạ Long, nếu công dân nào cũng "lăm lăm" máy ghi âm, ghi hình trong buổi làm việc, dù tính chất buổi làm việc không cần thiết phải làm việc đó, thì sẽ dễ gây cảm giác ức chế cho người làm việc.
“Với cá nhân tôi, đó không phải là thái độ tôn trọng người đối diện. Những thiết bị ghi âm, ghi hình không phải là yếu tố quyết định hiệu quả việc tiếp dân, xử lý khiếu nại, tố cáo”, ông Long nói.
Bà Kim Thủy (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) cho biết, bà không thấy bất cứ sự bất tiện nào với quy định mới của thành phố Hà Nội.
“Điều quan trọng nhất tại trụ sở tiếp dân là các bên phải có cách ứng xử văn hoá, đúng mực. Cán bộ tiếp dân phải tôn trọng người dân, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Người dân đến nơi công sở, không chỉ là trụ sở tiếp dân, cũng phải có thái độ ứng xử bình tĩnh, chú ý lắng nghe sự hướng dẫn của cán bộ tiếp dân. Hai bên cùng ứng xử văn minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật thì công việc sẽ trôi chảy. Việc sử dụng camera ghi hình, ghi âm, suy cho cùng cũng nhằm mục đích này mà thôi. Thiếu bình tĩnh, không tôn trọng nhau và không tuân thủ pháp luật thì sẽ gây tổn tại cho cả hai phía, bất kể người trong cuộc có ghi âm hay ghi hình”, bà Thủy nhận xét.
Hiện nay, trong Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội được UBND TP Hà Nội ban hành đầu năm 2017 có rất nhiều nội dung nói rõ những việc “nên làm” và “không nên làm” đối với cán bộ, công chức. Trong đó, có những quy định đối với cán bộ tiếp dân như trang phục, đầu tóc phải gọn gàng; tư thế, cử chỉ nghiêm túc; thái độ niềm nở, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người giao tiếp; sử dụng ngôn ngữ hòa nhã, không nói tục… Cán bộ tiếp dân đã có những quy định rất rõ ràng, người dân đến trụ sở tiếp công dân cũng có trách nhiệm góp phần tạo môi trường làm việc văn minh, lịch sự, hoà nhã.
Và như vậy, quy định mới ban hành liên quan tới công tác tiếp dân không có mục tiêu nào khác ngoài xây dựng môi trường giao tiếp văn hóa giữa công dân và cán bộ, công chức - một trong nhiều phần việc cần thực hiện để tiếp tục triển khai các quy tắc ứng xử đã được ban hành nhằm xây dựng môi trường văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.